Bộ Giáo dục và Đào tạo “trần tình” việc cộng điểm ưu tiên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định cộng điểm ưu tiên con của người...

Kinhtedothi - Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định cộng điểm ưu tiên con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 được cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông đã ngay lập tức gây “sốt” trong dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng con của những người này đều đã nhiều tuổi nên văn bản này không có giá trị thực tế.

Chia sẻ với phóng viên bên lề cuộc họp báo kết thúc kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông chiều 4/6, ông Trần Xuân Thành, Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nói: “Lúc đầu, chúng tôi cũng nghĩ khó có đối tượng con của người hoạt động cách mạng trước năm 1945 lại có độ tuổi học trung học cơ sở, trung học phổ thông. Hoặc nếu có, số lượng này cũng rất hiếm, chúng tôi dự định sẽ có công văn giải quyết cho từng trường hợp cá biệt.”
Ông Nguyễn Xuân Thành.
Ông Nguyễn Xuân Thành.
Vì thế, ban hành Quy chế tuyển sinh các bậc học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không đưa đối tượng này vào danh mục đối tượng được cộng điểm ưu tiên.

Nhưng sau đó, do có nhiều ý kiến kiến nghị nên Cục Người có công thuộc Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội đã có công văn đề nghị bổ sung. Phía Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng xác minh có những đối tượng như trên, nên đã ban hành thông tư bổ sung.

Cũng theo ông Thành, đúng là những người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, người họat động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 đều đã cao tuổi, ở tầm 80 tuổi trở lên. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp có người có con ở độ tuổi dưới 15 tuổi.

Đặc biệt, theo ông Thành, không chỉ con đẻ mà theo quy định của Chính phủ, con nuôi của những người này cũng được hưởng chế độ ưu tiên như con đẻ.

“Vì thế, với thông tư bổ sung, chúng tôi đã bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng này, dù có thể số lượng không nhiều, nhưng có, và chúng ta phải đảm bảo quyền lợi của họ theo quy định của pháp luật. Thông tư này hoàn toàn xuất phát từ thực tế có các đối tượng đó chứ không phải Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản một cách máy móc, quan liêu,” ông Thành nói.