Bộ Giao thông tiếp tục “thúc” tiến độ giải ngân đầu tư công

Quý Nguyễn/giaothonghanoi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự kiến trong tháng 5/2022, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) giải ngân được 3.880 tỷ đồng; lũy kế hết tháng 5/2022 giải ngân 15.080 tỷ đồng.

Bộ Giao thông tiếp tục “thúc” tiến độ giải ngân đầu tư công - Ảnh 1
Bộ GTVT  tiếp tục thúc tiến độ giải ngân đầu tư công.

Ngày 25/5, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp cuộc họp kiểm điểm tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công với nhiều điểm nhấn đáng chú ý.

Nhiều đơn vị giải ngân vượt kế hoạch

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Vụ Kế hoạch Đầu tư (thuộc Bộ GTVT) cho biết, trên cơ sở kế hoạch vốn được giao, Bộ GTVT đã giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 cho các chủ đầu tư, ban Quản lý Dự án (QLDA) qua 4 đợt với tổng số 45.343/50.328 tỷ đồng, đạt 90,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn còn lại sẽ được giao khi các Dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025 được phê duyệt Dự án đầu tư (dự kiến 30/6/2022)

Theo số liệu báo cáo các chủ đầu tư, ban QLDA cập nhật đến ngày 23/5/2022, dự kiến trong tháng 5/2022, Bộ GTVT giải ngân 3.880 tỷ đồng; lũy kế hết tháng 5/2022 giải ngân 15.080 tỷ đồng. Kết quả giải ngân của Bộ GTVT hết tháng 5/2022 dự kiến đạt 34,9% KH 2022 đã giao chi tiết, về tổng thể đã đáp ứng theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp trực tuyến tháng 4/2022 (vượt mức kế hoạch đề ra là 33,3%).

Tuy nhiên, trong số 35 đơn vị được giao kế hoạch vốn lớn (trên 50 tỷ đồng) chỉ có 17 đơn vị giải ngân vượt mức 33,3%, một số đơn vị chưa giải ngân hoặc giải ngân rất thấp do mới được giao kế hoạch, đang triển khai công tác đấu thầu.

Bên cạnh đó những khó khăn như giải phóng mặt bằng (GPMB), mùa mưa năm nay đến sớm, cường độ lớn trên diện rộng thì tình trạng giá nguyên vật liệu tăng cao cũng gây ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của các Chủ đầu tư, Ban QLDA và các nhà thầu.

Tính đến hết tháng 5/2022, 3 Ban QLDA tiếp tục phát huy được kết quả giải ngân vượt kế hoạch đăng ký. Đó là Ban QLDA Thăng Long giải ngân 3.094 (45,1%), vượt 380 tỷ đồng.

Ban QLDA đường Hồ Chí Minh giải ngân 1.529 tỷ đồng (35,6%), vượt 60 tỷ đồng; Ban QLDA Đường thủy giải ngân 352 tỷ đồng (35,5%), vượt 33 tỷ đồng; Ban QLDA Hàng hải là 1/4 đơn vị QLDA có kết quả giải ngân tốt trong tháng 4/2022, sang tháng 5/2022 đã giải ngân 681 tỷ đồng (45,5%). Tuy nhiên chậm 108 tỷ đồng so với kế hoạch tháng.

Bên cạnh các Ban QLDA có kết quả giải ngân tốt và chuyển biến tích cực, một số đơn vị như Ban QLDA Mỹ Thuận có kết quả giải ngân chưa đạt yêu cầu, dự kiến giải ngân 1.060 tỷ đồng (28,8%), chậm 380 tỷ đồng do kết quả đấu thầu dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch chậm.

Ban QLDA 5 giải ngân 40 (32,3%) cho phần thu hồi ứng trước kế hoạch; chưa giải ngân dự án QL40B do tỉnh đề nghị bổ sung nguồn vốn để GPMB nhưng không cân đối được.

Bộ Giao thông tiếp tục “thúc” tiến độ giải ngân đầu tư công - Ảnh 2
 Cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang được Bộ GTVT thần tốc triển khai.

Cho cán bộ năng lực giỏi quản lý, điều hành hiện trường

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các Ban QLDA cần tập trung tối đa cho công tác thẩm tra, thẩm định, đẩy nhanh tiến độ các dự án nhóm B, C.  

Ông Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, các Ban QLDA cần phải lưu ý, tiến độ và giải ngân đã tốt, song chất lượng và thủ tục hồ sơ xây dựng cơ bản là hàng đầu. “Giải ngân như thế nào? Nghiệm thu ra sao? Cắt chuyển khối lượng theo quy trình nào đều đã được quy định và cần tuân thủ chặt chẽ” – Bộ trưởng Bộ GTVT nói. 

Riêng đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, ông Nguyễn Văn Thể dành sự quan tâm lớn đối với 4 dự án phải hoàn thành trong năm 2022, gồm: Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.

Để đẩy nhanh tiến độ thi công, vừa qua các Ban QLDA cũng đã triển khai rất nhiều giải pháp như tăng ca, tăng cường máy móc thiết bị để bù đắp khối lượng khi đã giải quyết được khó khăn về vật liệu đất đắp hoặc do ảnh hưởng của những ngày mưa lớn kéo dài; cắt giảm và điều chuyển khối lượng của các nhà thầu chậm… (Ban QLDA 7 đã thực hiện cắt chuyển khối lượng 16,5km và tiếp tục cắt chuyển khối lượng 4,5km của nhà thầu chậm tiến độ thuộc Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết).

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu, với các dự án này, các Ban QLDA cần quyết liệt hơn nữa, cử những cán bộ có năng lực giỏi nhất để quản lý, điều hành tại hiện trường.

“Việc cắt chuyển khối lượng, cương quyết với nhà thầu yếu kém, giải cứu tiến độ các gói thầu là cần thiết, song cũng phải tuân thủ đúng theo hợp đồng, hết sức quan tâm thủ tục. Giao cho nhà thầu khác cũng phải đảm bảo theo quy định của pháp luật và đáp ứng được năng lực” – ông Nguyễn Văn Thể nói.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đề nghị các Ban QLDA phải ký hợp đồng với trung tâm khí tượng thủy văn các tỉnh cung cấp dự báo thời tiết trong tháng, theo tuần, diễn biến khu vực có dự án để có sự đánh giá, xác định thời gian thi công, xây dựng kế hoạch điều hành sát với thực tiễn.

“Từ nay đến cuối năm, khối lượng giải ngân của Bộ còn hơn 35.000 tỷ, bình quân giải ngân 5.000 tỷ/tháng. Để đáp ứng yêu cầu, các Ban QLDA/chủ đầu tư cần tập trung xác định nhu cầu giải ngân ở từng dự án, tổng hợp lại kế hoạch giải ngân từng tháng, từng dự án, không để tập trung vào cuối năm, bước vào mùa mưa, việc giải ngân sẽ rất khó khăn” – Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu.

 

Có 5 đơn vị chưa giải ngân hoặc giải ngân rất thấp do mới được giao kế hoạch, đang triển khai công tác đấu thầu, gồm: Sở GTVT Đồng Tháp giải ngân 7 tỷ đồng (1,8%); Sở GTVT Quảng Bình giải ngân 6,5 tỷ đồng (6,5%); Sở GTVT Cao Bằng giải ngân 3 tỷ đồng (4%); Sở GTVT Tuyên Quang giải ngân 2,4 tỷ đồng (1,2%). Sở GTVT Phú Thọ chưa giải ngân. Riêng Sở GTVT Ninh Bình chưa giải ngân dự án Cao Bồ - Mai Sơn do chưa thống nhất chủ trương triển khai hạng mục ITS.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần