Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ Giao thông Vận tải lý giải việc không đầu tư tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa

TRUNG VŨ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Giao thông vận tải cho biết, sau khi hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Buôn Ma Thuột - Vân Phong trong giai đoạn 2021- 2025 sẽ không còn nhu cầu đầu tư tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa.

Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) vừa đã trả lời cử tri tỉnh Đắk Lắk về nội dung đầu tư tuyến đường sắt từ thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đến thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên).
Tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột - Vân Phong sẽ tạo liên kết vùng cho khu vực Khánh Hòa, Phú Yên và Đắk Lắk (Ảnh: Trung Vũ).
Theo Bộ GTVT, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tuyến đường sắt từ thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đến thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) không nằm trong Quy hoạch mạng lưới đường sắt.
Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu xây dựng 5 quy hoạch chuyên ngành (đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải, hàng không), Bộ GTVT đã nghiên cứu phương án kết nối giao thông giữa các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ. Để bảo đảm tính hiệu quả đầu tư giữa các phương thức vận tải, trên cơ sở đánh giá các yếu tố kinh tế - kỹ thuật, kết quả nghiên cứu cho thấy việc điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa thành tuyến đường bộ cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang – Cảng Vân Phong là phù hợp.
Bởi theo bộ này, đường bộ cao tốc có tính linh hoạt cao hơn so với đường sắt, có thể đáp ứng phục vụ cả chức năng vận tải liên tỉnh, kết hợp với vận tải nội tỉnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực tuyến đi qua. Ngoài ra,  đường bộ cao tốc có thể vượt qua các khu vực có điều kiện địa hình khó khăn với độ dốc tối đa lên đến 6%. Trong khi đó, đường sắt chỉ cho phép vượt độ dốc tối đa 0,2%. Trường hợp độ dốc lớn, đường sắt chỉ phù hợp với vận tải hành khách, đường sắt nhẹ, phục vụ du lịch thuần túy.
“Chi phí đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc rẻ hơn so với đầu tư đường sắt nên việc huy động nguồn lực đầu tư, vận hành khai thác hiệu quả hơn. Hiện nay, Bộ GTVT đang tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư để sớm khởi công tuyến đường bộ cao tốc Buôn Ma Thuột - Vân Phong trong giai đoạn 2021- 2025. Sau khi hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc này sẽ không còn nhu cầu đầu tư tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa” – Bộ GTVT cho biết.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 6 (chủ đầu tư giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) thuộc Bộ GTVT, dự án Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột được nghiên cứu có 3 phương án với chiều dài tương ứng khoảng 118km, 123km và 130km. Điểm đầu dự án là nút giao giữa QL26B và QL1A, khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hòa và điểm cuối giao cắt tại khoảng Km12+450 đường Hồ Chí Minh tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột (cao tốc Bắc Nam phía Tây), thuộc địa phận buôn Ea Kmát, xã Đông Hòa, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk. Quy mô dự án 4 làn xe rộng 24,7 m, vận tốc thiết kế 80 - 100 km/giờ.

Mới đây, tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh Khánh Hòa với Bộ GTVT, Ban quản lý dự án 6 và đơn vị tư vấn là Liên danh CTCP Tư vấn Trường Sơn - Tổng công ty TVTK GTVT - CTCP (TEDI) đã đưa ra 3 phương án đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Qua đánh giá của đơn vị tư vấn, tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 1.073 ha. Về tổng vốn đầu tư, đơn vị tư vấn đề nghị chọn toàn tuyến với tổng chiều dài 118 km. Đây là tuyến ngắn nhất, khi thực hiện thì phương án 1 cần 24.349 tỷ đồng, phương án 2 cần 16.755 tỷ đồng và phương án 3 là 18.726 tỷ đồng. Trong khi các phương án khác tổng vốn có thể lên đến con số 25.736 tỷ đồng.