Theo đó, Bộ GTVT cho biết, Chính phủ đã ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác nghiên cứu Đề án xã hội hóa đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) khai thác các cảng hàng không, trong đó có Cảng hàng không (CHK) Liên Khương.
Việc thành lập Tổ công tác này được Chính phủ đưa ra trên cơ sở nhu cầu đầu tư phát triển các cảng hàng không và đề xuất của các địa phương.
Về phía Bộ GTVT, cơ quan này cho biết đã xây dựng và gửi đề cương Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không tới UBND các tỉnh, TP để các địa phương xây dựng đề án, báo cáo Tổ công tác, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao UBND các tỉnh là cơ quan có thẩm quyền thực hiện huy động nguồn lực đầu tư.
Riêng với sân bay Liên Khương, Bộ GTVT cho biết, hiện UBND tỉnh Lâm Đông đang nghiên cứu, xây dựng Đề án xã hội hóa mở rộng CHK Liên Khương để trình Thủ tướng Chính phủ.
Nếu UBND tỉnh Lâm Đồng được giao là cơ quan có thẩm quyền thì sẽ tổ chức chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật, làm cơ sở thực hiện đầu tư nâng cấp, mở rộng CHK Liên Khương theo quy hoạch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân địa phương.
Trước đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng đề nghị xem xét tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc triển khai xây dựng đường cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc - Liên Khương (tỉnh Lâm Đồng) cũng như chính sách thu hút đầu tư nâng cấp, mở rộng sân bay Liên Khương.
Trong báo cáo đầu kỳ điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Liên Khương (tỉnh Lâm Đồng) giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đơn vị tư vấn dự báo đến năm 2030, Cảng hàng không Liên Khương sẽ đón hơn 4,3 triệu khách nội địa và gần 700 nghìn khách quốc tế; hơn 18 nghìn tấn hàng. Đến năm 2050 sẽ đón tổng cộng hơn 7 triệu khách, trong đó, lượng khách quốc tế tăng mạnh mẽ, lên tới hơn 1,5 triệu khách; gần 27 nghìn tấn hàng hoá cũng được vận chuyển qua sân bay này.