70 năm giải phóng Thủ đô

Bộ GTVT xây dựng kế hoạch chạy tàu an sinh xã hội

Nguyên Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 32 về một số định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ việc xây dựng kế hoạch chạy tàu an sinh xã hội. Thông tư áp dụng thí điểm kể từ ngày 1/2/2023 đến hết ngày 1/2/2028.

Theo đó, phạm vi điều chỉnh thông tư áp dụng cho việc xây dựng, thẩm định kế hoạch chạy tàu an sinh xã hội trên tuyến đường sắt Gia Lâm - Quán Triều (Thái Nguyên) và Gia Lâm - Đồng Đăng (Lạng Sơn).

Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt hàng năm (trong giai đoạn 2024-2026) có trách nhiệm tổng hợp, thống kê, rà soát, bóc tách các chi phí liên quan đến công tác tổ chức chạy tàu an sinh xã hội và gửi về Cục Đường sắt VN để rà soát, theo dõi, tổng hợp.

Cục Đường sắt Việt Nam chủ trì, phối hợp doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt có trách nhiệm thực hiện tổng kết, đánh giá công tác thí điểm trong 3 năm thực hiện (2024-2026) để làm cơ sở đề xuất xây dựng ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ tổ chức chạy tàu an sinh xã hội áp dụng trong các năm tiếp theo.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho hay, đây mới chỉ là một số định mức kinh tế kĩ thuật về đơn giá nhân công, sức kéo, nhiên liệu... làm cơ sở lập kế hoạch, thẩm định kế hoạch để tổ chức chạy tàu an sinh. Hiện vẫn còn nhiều chi phí khác phát sinh trong thực tế chạy tàu, chờ được hướng dẫn thêm.

“Công ty sẽ lập kế hoạch chạy tàu an sinh năm 2024 và trình vào năm 2023 để được xem xét, phê duyệt. Hiện theo quy định, việc chạy tàu an sinh sẽ được Nhà nước bù đắp chi phí trên nguyên tắc chỉ bù phần bị thiếu sau khi trừ đi doanh thu và căn cứ vào các chi phí, các định mức đã được phê duyệt”, đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho hay.

Trước đây, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội là doanh nghiệp tổ chức chạy tàu khách trên 3 tuyến Gia Lâm - Quán Triều, Gia Lâm - Đồng Đăng và Yên Viên - Hạ Long. Tuy nhiên, việc chạy tàu chủ yếu phục vụ dân sinh, nhất là người dân ở khu vực các ga không thuận lợi về đường bộ, phục vụ học sinh đi học, người dân đi khám bệnh, buôn bán nhỏ đi chợ... nên giá vé không cao, hơn nữa tàu không đông khách.

Vì vậy, doanh thu không đủ bù chi, hàng năm lỗ khoảng 24 tỷ cả 3 tuyến. Doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị Nhà nước cho phép chạy tàu an sinh để bù lỗ, hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng chưa đủ các điều kiện, căn cứ pháp luật để xét duyệt. Doanh nghiệp phải giảm tần suất chạy tàu. Đến năm 2020, khi xảy ra đại dịch Covid 19, doanh nghiệp dừng chạy tàu khách trên cả 3 tuyến này cho đến nay.

Tuy nhiên, hiện Thông tư 32 chỉ áp dụng thí điểm đối với 2 tuyến đường sắt Gia Lâm - Quán Triều và Gia Lâm - Đồng Đăng. Tuyến Yên Viên - Hạ Long không áp dụng, do tuyến này chỉ chạy được toa xe khổ 1.435mm, trong khi các toa xe trước đây đã quá niên hạn, không thể chạy tàu, doanh nghiệp cũng không có toa xe khổ 1.435mm mới để thay thế.