Theo Bộ LĐTB&XH, Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định, từ năm 2018, người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.
Mặc dù trong các văn bản quy phạm pháp luật đã hướng dẫn chi tiết mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nhưng ở một số doanh nghiệp vẫn tồn tại tình trạng tách thành nhiều khoản trợ cấp, bổ sung để không đóng bảo hiểm xã hội. Vì thế mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vẫn còn khoảng cách nhất định so với tiền lương thực tế của người lao động.
Điều này cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến việc thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động. Đặc biệt là mức hưởng lương hưu khi về già do mức hưởng được tính trên mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.
Do vậy, Ban soạn thảo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đưa ra xin ý kiến nội dung quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định với 2 phương án:
Phương án 1: Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.
Phương án 2: Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.
Bộ LĐTB&XH phân tích, so với phương án 1, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tại phương án 2 sẽ bao gồm thêm cả các khoản phụ cấp lương, bổ sung khác gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.
Như vậy phương án 2, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.
Vậy, người lao động có được lựa chọn song song một trong hai phương án này không, để có cơ hội sau khi về hưu được hưởng lương cao? Về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐTB&XH Nguyễn Duy Cường phản hồi: Trong chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc, về cơ bản đã là bắt buộc thì không có quy định cho phép lựa chọn một là thế này, hai là thế kia.
Từ lần sửa luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã đặt ra vấn đề quy định cụ thể các khoản phụ cấp khác làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, không thể quy định được cụ thể danh sách các khoản phụ cấp lương và các khoản phụ cấp khác. Bởi vì pháp luật lao động quy định chung việc xây dựng cơ chế tiền lương, thang bảng lương của khu vực doanh nghiệp. Từng doanh nghiệp tự xây dựng các khoản và mỗi đơn vị lại có những quy định khác nhau. Có 1 doanh nghiệp gửi tới Bộ LĐTB&XH danh sách 100 khoản và họ cũng nói rằng không thể xây dựng cứng các khoản làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Theo ông Nguyễn Duy Cường chỉ có mỗi khu vực Nhà nước quy định được thang bảng lương. Bởi, Nhà nước ban hành thang bảng lương và quy định cứng các khoản phụ cấp nên làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Còn lại khu vực doanh nghiệp thì không quy định cứng được các khoản phụ cấp. Vì thế không thể yêu cầu doanh nghiệp quy định được cụ thể danh sách các khoản phụ cấp lương và các khoản phụ cấp khác làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.