Tại cuộc họp báo Bộ Ngoại giao chiều nay 21/11, liên quan đến thông tin Bộ Tài chính Mỹ công bố báo cáo bán niên về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn với Mỹ", Người phát ngôn Phạm Thu Hằng cho biết:
"Việt Nam đánh giá cao việc Bộ Tài chính Mỹ kết luận không có đối tác thương mại nào, trong đó có Việt Nam, can thiệp vào tỷ giá nhằm mục đích tác động đến cán cân thanh toán, hoặc đạt lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế tại báo cáo bán niên về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn với Mỹ"".
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, thời gian qua, trên cơ sở mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đã đạt được những kết quả tốt đẹp.
"Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì hợp tác chặt chẽ, trao đổi thường xuyên và hiệu quả với Bộ Tài chính Mỹ để qua đó tăng cường hiểu biết hơn nữa, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế phát triển ổn định bền vững, đáp ứng lợi ích của người dân 2 nước", bà Phạm Thu Hằng khẳng định.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, Báo cáo bán niên về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn với Mỹ" đã xem xét và đánh giá các chính sách của các đối tác thương mại lớn, đóng góp khoảng 78% thương mại quốc tế với nước này trong 4 quý vừa qua, tính đến tháng 6/2024.
Ba tiêu chí do Bộ Tài chính Mỹ đưa ra khi xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại lớn gồm: Thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai, và can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.
Trong đó, 2 tiêu chí đầu tiên gồm thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ không quá 15 tỉ USD, thặng dư cán cân vãng lai tương đương không vượt 3% GDP. Tiêu chí thứ 3 dựa trên tổng lượng ngoại tệ mua ròng của ngân hàng trung ương tính trong 12 tháng.
Một quốc gia có nền kinh tế vượt ngưỡng 2 trong 3 tiêu chí trên sẽ bị Mỹ đưa vào "danh sách giám sát". Quốc gia đó cũng sẽ tiếp tục trong danh sách này trong ít nhất 2 kỳ báo cáo tiếp theo.
Báo cáo lần này kết luận không có đối tác thương mại nào can thiệp vào tỉ giá nhằm mục đích tác động đến cán cân thanh toán hoặc đạt lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế. Việt Nam, cùng với 7 nền kinh tế như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore và Đức, nằm trong "danh sách giám sát" khi có 2 tiêu chí vượt ngưỡng, gồm thặng dư hàng hóa song phương và thặng dư cán cân vãng lai.