Phát biểu tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 04-CTr/TU của Thành uỷ sáng 21/4, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá Chương trình đã giúp nông nghiệp, nông thôn Thủ đô ngày càng đi vào chiều sâu. Ở đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một được nâng cao. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch tích cực. Nông sản phát triển theo hướng tích hợp đa giá trị.
Hà Nội hiện đang dẫn đầu về số lượng hợp tác xã. Những làng nghề truyền thống đa dạng bản sắc ngày càng phát triển, không chỉ giúp cải thiện đời sống cho người dân mà còn gìn giữ văn hoá. Nông thôn Thủ đô đã và đang khơi gợi sức sống mới, năng động và ngày một văn minh hơn...
“Không quá khi nói Hà Nội là niềm cảm hứng cho nhiều địa phương của cả nước, là niềm cảm hứng cho Bộ NN&PTNT và cá nhân tôi, để tiếp tục kiến tạo nên những miền quê nông thôn đáng sống…” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Tuy Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong hơn hai năm triển khai Chương trình số 04 nhưng Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng dư địa của phát triển nông nghiệp Hà Nội vẫn còn rất lớn, và TP cần khai quật tiềm năng riêng có của mình trên cơ sở đổi mới tư duy. “Bộ NN&PTNT sẽ đồng hành cùng Hà Nội kiến tạo những không gian phát triển mới mẻ hơn cho nông nghiệp, nông thôn…” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định.
“Xây dựng nông thôn mới Hà Nội cần hướng tới tạo dựng cấu trúc bền vững, phát triển xã hội hài hoà, giữa thụ hưởng - đóng dóp , hiện đại - truyền thống…”
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.
Đối với mục tiêu của Chương trình số 04 giai đoạn 2023 - 2025, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Hà Nội cần kích hoạt hồi sinh đời sống cộng đồng nông thôn, nhưng không tạo xung đột giữa hiện đại và bản sắc; nâng cao năng lực cộng đồng, dần hình thành đội ngũ nông dân mới; tạo không gian rộng mở phục vụ sản xuất.
Theo Tư lệnh ngành nông nghiệp, dư địa phát triển của nông nghiệp Hà Nội là rất lớn, hoàn toàn có thể đóng góp tích cực hơn vào kinh tế chung của Thủ đô. Đặc biệt, nông nghiệp nếu được tổ chức hài hoà trong đô thị sẽ giúp tối ưu hoá chi phí vận chuyển; tăng khả năng cung cấp tại chỗ, giảm chi phí và góp phần bảo đảm tiêu dùng tại chỗ.
Hà Nội cũng có thể tính đến hình thành các cụm liên kết ngành nông - công nghiệp hài hoà đầu vào - đầu ra; các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp và chuỗi ngành hàng. Thúc đẩy phát triển các mô hình “bất động sản nông nghiệp”, để vừa ở vừa sản xuất nông nghiệp quy mô gia đình, là nơi cung cấp thực phẩm và thư giãn cuối tuần để có thể trải nghiệm…
Để đáp ứng các yêu cầu phát triển trong giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Hà Nội cần nghiên cứu thí điểm cơ chế đặc thù về mô hình “sàn cho thuê đất nông nghiệp”, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
“Chúng ta hay than thở nông dân bỏ đất nông nghiệp, để ruộng hoang, nhưng lại chưa thực sự nghiên cứu để thí điểm cách làm mới, giống như đã được áp dụng tại nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan…” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, Hà Nội có thể liên kết các hợp tác xã, thí điểm hợp nhất để tạo ra những hợp tác xã có quy mô lớn hơn; hướng tới nền kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Nếu có các liên hiệp hợp tác xã mạnh, Hà Nội có thể tạo ra hình thái mới cho phát triển nông nghiệp…