Bỏ qua toàn cầu hóa nhìn từ sản xuất chip

Thế Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây ngày 27/7 (giờ địa phương), Thượng viện Mỹ thông qua đạo luật CHIPS, thể hiện một “điểm uốn” đặc biệt quan trọng đối với nước này. Đạo luật này nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp quan trọng của Mỹ.

Đây là hệ quả của thiếu con chip trong mùa đại dịch Covid-19 do quan niệm “toàn cầu hóa” mang lại. Người Mỹ bỏ qua bước đi toàn cầu hóa đang là thời thượng?

Thua ở “sân khách” và đứt gãy chuỗi cung ứng

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ nói chung đã thúc đẩy toàn cầu hóa, cho rằng hàng hóa được sản xuất ở đâu không quan trọng. Các quốc gia khác đã quyết tâm thu hút các nhà sản xuất cũng như đầu tư Mỹ và Mỹ đã làm rất ít để ngăn việc các công ty ra nước ngoài.

Ảnh dựng về nhà máy sản xuất chip của Intel tại Ohio dự kiến đầu tư 100 tỷ USD. Ảnh: Intel
Ảnh dựng về nhà máy sản xuất chip của Intel tại Ohio dự kiến đầu tư 100 tỷ USD. Ảnh: Intel

Mỹ mất hàng triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất, toàn bộ ngành công nghiệp bị khánh kiệt và nợ thương mại tích lũy hàng nghìn tỷ đô la khi Mỹ tăng nhập khẩu nhanh hơn nhiều so với xuất.

Ngay cả trong những sản phẩm công nghệ tiên tiến, lẽ ra là thế mạnh của Mỹ thì lợi thế của này nhanh chóng tan biến. Năm 1992, Mỹ thặng dư thương mại gần 60 tỷ đô la xuất khẩu sản phẩm công nghệ tiên tiến. Theo Bộ Thương mại Mỹ, đến năm 2020, Mỹ thâm hụt 188 tỷ USD. Chất bán dẫn là ví dụ điển hình.

Các phòng thí nghiệm của Mỹ đã phát triển bóng bán dẫn và mạch tích hợp vào giữa thế kỷ XX và tìm ra cách in chúng trên silicon, tạo ra Thung lũng Silicon. Công ty hàng đầu trong ngành là Intel đã thúc đẩy phong trào tạo những con chip nhỏ hơn, nhanh hơn và thống trị thị trường.

Nhưng sau đó Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc bắt đầu đầu tư rất lớn cho các công ty sản xuất chất bán dẫn. Đài Loan có Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC). Những tiến bộ trong sản xuất chip đòi hỏi phải khắc các bóng bán dẫn ngày càng nhỏ trên các tấm silicon. TSMC có thể sản xuất chip với bóng bán dẫn chỉ rộng 5 nanomet (nm), trong khi Intel dừng lạ ở 10nm và sẽ không đạt được 7nm cho đến năm 2023.

Thậm chí, TSMC có thể sớm ở đạt mức mới 3nm. Mới tháng trước, Samsung đã bắt đầu sản xuất chip 3nm của riêng mình.

Pat Gelsinger, Giám đốc điều hành của Intel, nói rằng: "Chúng tôi đã có một số bước sai lầm”.

Trên toàn cầu, thị phần sản xuất chất bán dẫn của Mỹ đã giảm 2/3 kể từ năm 1990, xuống còn 12% và vẫn đang tiếp tục giảm. Mỹ đã bị các đối thủ châu Á khác lấn lướt, mối đe dọa tiếp theo đến từ Trung Quốc, quốc gia đang đầu tư rất lớn vào ngành công nghiệp theo chiến lược "Sản xuất tại Trung Quốc 2025" để đạt được vị trí dẫn đầu toàn cầu về các công nghệ quan trọng.

Theo Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn Mỹ: "Vào năm 2019, tất cả 6 nhà máy chế tạo chất bán dẫn mới mở trên toàn cầu đều nằm ngoài Mỹ, trong đó 4 cơ sở được xây dựng ở Trung Quốc".

Trở về nhà, tránh rủi ro phụ thuộc

Muộn còn hơn không, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã thức tỉnh trước mối đe dọa do mất vai trò lãnh đạo toàn cầu trong một công nghệ quan trọng như vậy, đặc biệt nếu một đối thủ như Trung Quốc giành giật dây chuyền từ Mỹ. Tình trạng thiếu chip xuất hiện trong đại dịch Covid-19 đã nhấn mạnh thêm rủi ro của việc phụ thuộc vào nguồn cung cấp nước ngoài.

Một bức ảnh chụp từ trên không được chụp vào ngày 18/7/2022, cho thấy nhà máy TSMC ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc. Ảnh: CNN
Một bức ảnh chụp từ trên không được chụp vào ngày 18/7/2022, cho thấy nhà máy TSMC ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc. Ảnh: CNN

Năm ngoái, Ủy ban An ninh Quốc gia về Trí tuệ Nhân tạo Mỹ đã báo cáo: "Nói một cách đơn giản: Chuỗi cung ứng chip tiên tiến của Mỹ đang gặp rủi ro nếu không có hành động phối hợp của chính phủ. Việc xây dựng lại ngành sản xuất chip trong nước sẽ rất tốn kém, nhưng thời điểm để hành động là bây giờ. Mỹ nên cam kết chiến lược đi trước Trung Quốc ít nhất hai thế hệ trong lĩnh vực vi điện tử hiện đại và cam kết tài trợ và khuyến khích để duy trì nhiều nguồn chế tạo vi điện tử tiên tiến ở Mỹ".

Thậm chí có ý kiến cho rằng, các nhà sản xuất sản phẩm công nghệ cao muốn ra nước ngoài đầu tư chỉ được mang những công nghệ lỗi thời ít nhất vài thế hệ nếu muốn được chính phủ hỗ trợ, nếu không hãy quay về nước mà làm.

Đạo luật CHIPS nhằm khôi phục vị thế lãnh đạo của Mỹ trong việc sản xuất chất bán dẫn, chip máy tính tiên tiến trong mọi thứ từ điện thoại thông minh đến máy bay, đã được ủng hộ bởi một cuộc bỏ phiếu của lưỡng đảng. Nó cung cấp cho các nhà sản xuất chất bán dẫn hơn 70 tỷ USD để xây dựng các nhà máy sản xuất chip mới ở Mỹ.

Luật cũng cho phép tăng 200 tỷ đô la tài trợ trong thập kỷ tới cho nghiên cứu khoa học để thúc đẩy đổi mới công nghệ. Dự luật hiện được chuyển đến Hạ viện, dự kiến ​​sẽ sớm được thông qua.

Đạo luật này nhằm giải quyết tình trạng thiếu chip bán dẫn và khiến Mỹ bớt phụ thuộc vào các quốc gia khác như Trung Quốc để sản xuất. Những người ủng hộ nói rằng biện pháp này quan trọng không chỉ đối với đổi mới công nghệ của Mỹ mà còn đối với an ninh quốc gia.

Như vậy, từ việc đứt gãy nguồn cung chip trong đại dịch Covid-19, Mỹ đang từng bước bỏ đi tiến trình toàn cầu hóa như đã từng làm trước đó.

 

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ nói chung đã thúc đẩy toàn cầu hóa, cho rằng hàng hóa được sản xuất ở đâu không quan trọng. Các quốc gia khác đã quyết tâm thu hút các nhà sản xuất cũng như đầu tư Mỹ và Mỹ đã làm rất ít để ngăn việc các công ty ra nước ngoài. Nay từ việc đứt gãy nguồn cung chip do đại dịch Covid-19, Mỹ đang từ bỏ chiến lược toàn cầu hóa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần