Thursday, 14:13 10/09/2015
Bỏ quên quy hoạch giao thông “ô bàn cờ”
Kinhtedothi - Đường Phan Đình Phùng, Hà Nội được quy hoạch với không gian cây xanh, vỉa hè thoáng rộng. Ảnh: Phạm Hùng
Một trong những di sản mà người Pháp để lại ở nước ta là những công trình xây dựng như trụ sở Tòa án Tối cao, Nhà hát Lớn…, đặc biệt là quy hoạch đường giao thông “ô bàn cờ” ở một số quận trung tâm của Hà Nội như quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng. Hiện các tuyến đường này vẫn đang phát huy tác dụng trong việc giảm tải ùn tắc.
Nét riêng
Quy hoạch giao thông ô bàn cờ (grid planning) được hiểu là quy hoạch tạo ra các con đường cắt nhau vuông góc, tạo thành các ô vuông hoặc hình chữ nhật giống như hình của một bàn cờ. Kiểu quy hoạch này ra đời từ thời cổ đại và được coi như một tiêu chuẩn về quy hoạch tại các TP. Ban đầu, quy hoạch này được áp dụng tại các nước phương Tây, sau này cũng được phổ biến rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ở châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đưa mô hình này khi xây dựng, quy hoạch giao thông tại các TP. Ở Việt Nam, các quận trung tâm tại các TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh được người Pháp du nhập vào, tạo nên những nét rất riêng, đồng thời đem lại rất nhiều giá trị.
Ngay từ năm 1893, Sài Gòn đã được người Pháp quy hoạch một cách bài bản với quy hoạch ô bàn cờ, đó là những con đường song song tạo ra các hình vuông, giúp cho giao thông một cách thuận lợi. Ở Hà Nội, năm 1911, những quận trung tâm cũng đã có những con đường thẳng song song như vậy. Nhờ việc quy hoạch như thế mà giao thông ở những khu vực này không bị tắc nghẽn, TNGT ít, trồng được nhiều cây (giữa các con đường và bên lề đường), đô thị thoáng mát, có nhiều mặt bằng để dân kinh doanh, buôn bán, và đất đai các khu vực đó có giá cao và khá bằng nhau…
Tuy nhiên, tiếc rằng mô hình này đang bị lãng quên. Người Pháp đi, chúng ta chưa sao chép được cái ô bàn cờ nào cả. Mà quy hoạch của chúng ta thường xây một trục đường thật to hoặc phụ thuộc vào một con đường nào đó để mở rộng ra các đại lộ Giải Phóng, Giảng Võ, Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Nguyễn Chí Thanh… ở Hà Nội; Mai Chí Thọ, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Tất Thành… ở TP Hồ Chí Minh. Rồi cứ sáng sáng, chiều chiều, tất cả phương tiện giao thông từ xe tải, ô tô, xe máy cứ từ trong những con hẻm, ngõ đổ ra các con đường “duy nhất” đó, như ở trong các xương sườn đổ ra xương sống. Do vậy mà ô nhiễm vì lượng khói từ số lượng xe quá tải, rồi ùn tắc, TNGT...
Hệ quả do quy hoạch giao thông không đồng bộ
Giao thông có giá trị rất quan trọng, giúp người dân giảm thời gian, chi phí di chuyển. Ở Việt Nam, chúng ta vẫn thường thấy, những người ở cách xa TP chỉ 20 - 30km vẫn phải vào TP thuê nhà, mua nhà để ở, điều mà rất hiếm thấy ở các nước phát triển. Chính điều này đã đẩy giá nhà đất đô thị tăng cao, đồng thời với lượng người nhập cư quá đông khiến các vấn đề như an sinh xã hội, môi trường không khí không đảm bảo…
Vì giao thông chưa thuận tiện, mất nhiều thời gian nên người ta phải tìm đến những ngôi nhà trong hoặc gần trung tâm để tiện đi lại, làm việc, học tập… và kéo theo việc các dự án bất động sản với những tòa nhà “chọc trời” mọc lên để đáp ứng nhu cầu. Do đó, một lượng vốn rất lớn đầu tư vào xây dựng các “khối bê tông”, mà không phải đầu tư vào “sản xuất, kinh doanh” tạo ra giá trị thực cho xã hội và việc làm cho người dân, giúp nền kinh tế phát triển.
Giải pháp
Có thể thấy rằng, trong những năm gần đây, hạ tầng giao thông tại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng được đầu tư có chiều sâu với nhiều tuyến đường mới được xây dựng, giúp từng bước tháo gỡ vấn đề UTGT. Tuy nhiên, các tuyến đường được xây dựng chủ yếu là trục hướng tâm, vành đai và chưa có sự kết nối nhiều của các đường nhánh. Khi bàn sâu hơn, đặc biệt là khi đem ra so sánh với giao thông nước ngoài thì chúng ta thường hay viện dẫn “khó khăn” để bảo vệ cho những hạn chế trong năng lực của mình. Hơn 100 năm trước, người Pháp cũng chỉ vẽ ra bản đồ và dân ta mới là người thực hiện. Phải chăng việc cầm những cây bút với quyền trong tay, chúng ta không vẽ được những con đường thẳng, song song tựa ô bàn cờ như vậy? Cách đây cả trăm năm ta đã có quy hoạch tốt và sau này có điều kiện mới xây dựng khang trang. Quan trọng là tầm nhìn, là để dành quỹ đất trống đó để khi có tài chính mới triển khai hoặc kêu gọi các hình thức hợp tác xây dựng với dân doanh.
Có lẽ đã đến lúc chúng ta nhìn nhận một cách tổng thể về giao thông trong nước và học hỏi, tham vấn từ những kinh nghiệm xa xưa và của những nước phát triển để quy hoạch giao thông nước nhà một cách khoa học, bài bản hơn tạo ra những bản đồ “ô bàn cờ”, từ đó giúp người dân giảm thiểu thời gian, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sống… tạo đà cho đất nước phát triển.
![]() Kinhtedothi - Đường Phan Đình Phùng, Hà Nội được quy hoạch với không gian cây xanh, vỉa hè thoáng rộng. Ảnh: Phạm Hùng |
Đường trên cao, chỉ nên làm là cầu vượt trên những ngã tư, thay vì ở những nơi khác, bởi những điểm bất lợi của nó. Thứ nhất, tốn kém. Nếu như đường bình thường chỉ cần rải nhựa hoặc đổ đá để xử lý vùng đất lún, thậm chí đổ bê tông (không phải đổ cọc) thì sẽ giảm được chi phí hơn rất nhiều so với đường trên cao. Thứ hai, an ninh quốc phòng. Giao thông không chỉ phục vụ cho dân sinh hàng ngày, mà nó còn có ý nghĩa rất quan trọng khi có chiến tranh. Nếu như một mắt xích ở đường trên cao bị gãy thì không thể lưu thông được. Trong khi đó, với đường bộ thì có thể san lấp những chỗ bị phá và có thể di chuyển bình thường. Thứ ba, xây đường trên đất đỡ nóng cho người đi đường hơn. Đất có khả năng làm giảm nhiệt cho đường, làm cho đường bền vững hơn. |