Bổ sung quy định sàng lọc cán bộ, công chức, xoá bỏ tư duy "biên chế" suốt đời
Kinhtedothi- Sáng 7/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã nghe Tờ trình Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Trong đó, bổ sung quy định nâng cao hiệu quả đánh giá, sử dụng và sàng lọc cán bộ, công chức.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Dự thảo Luật sửa đổi gồm 7 chương, 52 điều, giảm 35 điều so với Luật hiện hành.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã; hoàn thiện các quy định nhằm thực hiện chủ trương xây dựng một nền công vụ thống nhất, liên thông, đồng bộ từ Trung ương đến cấp xã; quy định chuyển tiếp để cán bộ, công chức cấp xã được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì được chuyển thành cán bộ, công chức theo quy định của Luật này.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Dự thảo cũng quy định chuyển đổi phương thức quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Theo đó, quy định rõ việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức phải căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm và năng lực, kết quả thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức; bỏ quy định thi nâng ngạch, thay vào đó là cơ chế được bố trí vào vị trí việc làm nào thì xếp vào ngạch công chức tương ứng.
Dự thảo Luật quy định đổi mới công tác tuyển dụng công chức theo hướng người được tuyển chọn phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm, sau khi trúng tuyển được bổ nhiệm, xếp lương ở ngạch công chức tương ứng; bỏ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức thống nhất ở cấp quốc gia để thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý công chức.
Luật bổ sung quy định nâng cao hiệu quả đánh giá, sử dụng và sàng lọc cán bộ, công chức, trong đó quy định việc đánh giá công chức phải căn cứ vào kết quả, sản phẩm công việc cụ thể theo yêu cầu của vị trí việc làm, thay vì dựa trên các tiêu chí chung, hình thức hay cảm tính. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc sử dụng, đánh giá công chức đúng năng lực, vị trí việc làm.

Quang cảnh Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Dự thảo Luật chú trọng tiếp tục đổi mới phương thức quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm và năng lực thực tiễn; thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 26-NQ/TƯ về quản lý cán bộ, công chức dựa trên vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh và khung năng lực.
"Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xóa bỏ tư duy "biên chế suốt đời", trong đó cụ thể hóa yêu cầu tinh giản biên chế theo hướng thực chất; quy định về sàng lọc, loại bỏ công chức không hoàn thành nhiệm vụ, cụ thể hóa yêu cầu về đạo đức công vụ và trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân" - Bộ trưởng nói.
Các quy định này cũng tạo hành lang pháp lý đồng bộ, hiện đại hóa công tác quản lý công chức theo hướng năng động, minh bạch, hiệu quả. Đảm bảo nguyên tắc sử dụng đúng người, đúng việc, phát huy tối đa năng lực của cán bộ, công chức, đồng thời sàng lọc những trường hợp không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, có trách nhiệm, đạo đức công vụ, phục vụ tốt cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật. Ảnh: Quochoi.vn
Dự thảo Luật cũng thể chế hóa chính sách thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ; bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công vụ.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Cán bộ, công chức với các lý do được nêu tại Tờ trình. Nội dung dự thảo phù hợp với quy định của Hiến pháp, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên và cơ bản bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan. Hồ sơ dự án Luật đầy đủ, đúng quy định, bảo đảm chất lượng, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp cũng cơ bản tán thành quy định của dự thảo Luật về đánh giá công chức theo hướng nhấn mạnh việc đánh giá theo kết quả, sản phẩm cụ thể theo từng vị trí việc làm; kết quả đánh giá là cơ sở để thực hiện chế độ, chính sách và để sàng lọc, bố trí vào vị trí việc làm phù hợp hoặc cho thôi việc đối với những công chức không đạt yêu cầu của vị trí việc làm.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện cần xây dựng tiêu chí đánh giá rõ ràng, minh bạch, định lượng được, bảo đảm khách quan, công bằng, minh bạch.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, chiều nay (7/5), các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Hà Nội: sắp xếp cán bộ cấp xã hướng tới mục tiêu chính quyền gần dân
Kinhtedothi-Hướng tới xây dựng chính quyền gần dân, phục vụ Nhân dân và mở ra động lực, không gian phát triển của Thủ đô trong giai đoạn mới, phương án sắp xếp lại đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã của Hà Nội sẽ thực hiện bố trí đội ngũ cán bộ cấp xã không theo kiểu dàn đều.

Trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, dự kiến cấp huyện kết thúc hoạt động từ 1/7/2025
Kinhtedothi - Sáng 7/5, tại Kỳ họp thứ 9, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền phường trong lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị
Kinhtedothi- Sáng 7/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật Chính quyền địa phương (sửa đổi). Trong đó, sửa đổi các quy định liên quan đến việc phân định đơn vị hành chính (ĐVHC), tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, đẩy mạnh phân cấp, uỷ quyền...