Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bổ sung quy định truy thu thuế cao với tài sản bất minh: Vẫn còn tranh luận

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/3, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã họp phiên toàn thể thẩm tra Dự luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), trong đó có vấn đề xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý.

Truy thu thuế đến 45%
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Dự Luật đã bổ sung Điều 59 quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý. Theo đó, qua tìm hiểu nghiên cứu từ nhiều nước trên thế giới, việc xử lý được thực hiện từ các phương thức chính, bao gồm: Xử lý thông qua bản án hình sự của Tòa án, thông qua trình tự tố tụng dân sự, thông qua xử phạt hành chính (tịch thu tài sản, thu nhập) hoặc công cụ về thuế (truy thu thuế thu nhập cá nhân).
 Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại phiên họp.
Chính phủ đề xuất phương án xử lý thông qua việc truy thu thuế thu nhập cá nhân và coi đây như là khoản thu nhập vãng lai phát sinh mà người kê khai hoặc vợ/chồng, con chưa thành niên của người kê khai phải nộp theo quy định. Theo đó, qua xác minh, nếu kết luận tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu thập đã kê khai hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý thì cơ quan thuế sẽ xem xét thực hiện việc truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%. “Việc truy thu thuế này không loại trừ việc xử lý trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản đối với người kê khai, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự khác chứng minh được tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội" - Tổng Thanh tra Chính phủ lý giải.

Dự Luật cũng quy định, người bị truy thu thuế có quyền khiếu nại đến cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập. Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khởi kiện ra tòa án.

Cần cách xử lý khác nhau

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân không quy định về thu thuế như vậy. Đề nghị cơ quan trình Dự Luật phân tích rõ cơ sở để thu thuế và tính pháp lý của quy định này.

Theo đại diện nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường, hiện nay pháp luật về hình sự, xử lý vi phạm hành chính đã quy định việc xử lý đối với tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp (do vi phạm pháp luật, do phạm tội mà có). Riêng đối với tài sản mà người sở hữu có được một cách bất thường, không giải trình được hoặc giải trình không hợp lý về nguồn gốc hợp pháp, đến nay vẫn chưa có quy định xử lý. Trong khi đây là những tài sản tiềm ẩn nguy cơ có nguồn gốc từ tham nhũng, vi phạm pháp luật. Do đó, nhóm nghiên cứu cho rằng, việc Dự Luật bổ sung quy định xử lý đối với các loại tài sản này là rất cần thiết, phù hợp với các ý kiến đề nghị của đa số đại biểu Quốc hội.

Mặc dù tán đồng với việc quy định xử lý với loại tài sản này là cần thiết, song tại cuộc họp, các ý kiến cũng cho rằng, việc Dự Luật quy định chung một hình thức xử lý cho tất cả các trường hợp là chưa phù hợp. Để quy định này bảo đảm khả thi, hiệu quả, phù hợp với công ước quốc tế và thống nhất trong hệ thống pháp luật thì cần được cân nhắc, thể hiện nội dung quy định sao cho hoàn thiện.

Trên thực tế, tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý có thể phân thành các loại khác nhau và có tính chất, mức độ vi phạm khác nhau nên cần có cách xử lý khác nhau. Dự Luật cũng cần phải bổ sung quy định về giá trị tối thiểu của tài sản kê khai không trung thực sẽ bị xử lý để bảo đảm tính phù hợp.