Xin bà cho biết, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam hiện nay như thế nào và thực trạng này sẽ ảnh hưởng ra sao đến sự phát triển của trẻ?
Theo thống kê, Việt Nam hiện nay đang đối mặt với thách thức về tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi. Kết quả điều tra tình trạng thiếu một số vi chất dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em 6 - 59 tháng tuổi năm 2014 - 2015 cho thấy tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ dưới 5 tuổi là 13%, đặc biệt một số địa phương miền núi tỷ lệ này lên tới 16,1%. Cùng với đó, tỷ lệ trẻ thiếu kẽm là 69,4% (trong đó miền núi 80,8%, nông thôn 71,6%, thành thị 49,7%), thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ là 63,6%.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi ở Việt Nam còn cao nhưng đã giảm thấp hơn hầu hết các nước ở khu vực châu Á và hiện nay còn cao hơn các nước như Malaysia, Thái Lan, Singapore, Irắc và Srilanka. Chiều cao trung bình của nam và nữ nước ta là 1,64m và 1,55m thấp hơn các nước phát triển như Trung Quốc (1,70m và 1,59m), Nhật Bản (1,72m và 1,58m) Singapore (1,71m và 1,60m). Suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng là nguyên nhân chính dẫn đến chiều cao thấp ở thanh niên nước ta. Ngoài ra, thiếu vi chất dinh dưỡng còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tới sự phát tiển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em và khả năng sinh sản cũng như năng suất lao động của người lớn.
Vậy việc Vinamilk bổ sung thêm 14 vitamin và khoáng chất vào sữa trong chương trình Sữa học đường có ảnh hưởng gì đến chất lượng sữa và sữa khỏe của trẻ hay không?
Tôi khẳng định, các vi chất mà Vinamilk bổ sung trong sữa học đường hoàn toàn phù hợp với mức khuyến nghị dinh dưỡng dành cho người Việt Nam và rất cần thiết để cải thiện tình trạng thiếu vi chất ở trẻ em. Hàm lượng các vi chất mà Vinamilk bổ sung trong sữa cũng nằm trong hàm lượng mà Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến nghị, phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới dành cho trẻ từ 6 tháng đến 12 tuổi.
Bên cạnh đó, việc tăng cường vi chất vào thực phẩm là việc nhiều nước trên thế giới đã thực hiện từ rất lâu. Tại Việt Nam, không chỉ sữa học đường được bổ sung vi chất mà còn nhiều sản phẩm khác cũng được bổ sung các vi chất. Bên cạnh việc bổ sung 3 loại vi chất bắt buộc theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với sữa học đường là sắt, vitamin D và canxi, việc bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất khác không làm thay đổi chất lượng sữa mà chỉ làm tăng chất lượng của sữa. Đặc biệt, với sữa học đường có tính ưu việt về độ bao phủ, giá thành phù hợp khi có sự liên kết, ưu đãi của nhiều lực lượng sẽ là một giải pháp tối ưu để bổ trợ cho bữa ăn học đường.
Một số ý kiến cho rằng, sữa học đường của Vinamilk có nhãn hiệu là “Vinamilk 100% Sữa tươi – Học đường” nên nếu bổ sung thêm vi chất sẽ không phải là sữa tươi 100%, điều này có đúng hay không?
Theo QCVN 5:1-2017/BYT - quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa dạng lỏng mới nhất do Bộ Y tế ban hành năm 2017, không phải cứ có tên gọi “sữa tươi” thì đều phải 100% nguyên liệu từ sữa tươi. Cụ thể, quy chuẩn nêu rõ, dù là sữa tươi thanh trùng hay sữa tươi tiệt trùng thì sản phẩm đều phải được chế biến chủ yếu từ sữa tươi nguyên liệu, trong đó, sữa tươi nguyên liệu chiếm tối thiểu 90% tính theo khối lượng sản phẩm cuối cùng, và các sản phẩm này có thể bổ sung thêm thành phần khác nhưng không nhằm mục đích thay thế các thành phần của sữa, đã qua thanh trùng/tiệt trùng, Do vậy, việc bổ sung thêm vi chất vào sữa tươi không có gì là vi phạm.
Bên cạnh đó, tôi muốn nhấn mạnh rằng, phụ huynh cần tăng cường bổ sung thêm các vi chất cho trẻ thông qua nhiều nguồn thực phẩm khác nhau bằng việc đa dạng các bữa ăn trong ngày.