Bộ Tài chính đề xuất: Sở hữu nhà, ô tô sẽ phải chịu thuế tài sản

Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người sở hữu một căn nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên có thể sẽ phải chịu thuế tài sản theo đề xuất do Bộ Tài chính đưa ra trong nội dung xây dựng dự án Luật Thuế tài sản.

Hai phương án chịu thuế
Tại buổi họp báo chuyên đề về Dự án Luật Thuế tài sản do Bộ Tài chính tổ chức chiều 13/4, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết: Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, thuế tài sản là một loại thuế ra đời sớm trong hệ thống thuế của đa số các quốc gia trên thế giới, hiện có 174/193 nước thực hiện thu thuế tài sản.

Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án về ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng và đưa ra 2 phương án về thuế suất là 0,3% hoặc 0,4%. Đồng thời, những người sở hữu sẽ phải nộp thuế 0,3 - 0,4% đối với phần đất. Lý giải mức thuế suất này, Bộ Tài chính cho biết: “Theo kinh nghiệm quốc tế, mức thuế suất thuế tài sản thấp nhất là 0,2%. Tuy nhiên, đa số các nước áp dụng mức thuế suất thuế tài sản cao, trong đó có một số nước trong khu vực như Indonesia 0,5%; Philippines 1% và 2%”.
Người sở hữu nhà có giá trị cao sẽ phải chịu thuế tài sản theo đề xuất của Bộ Tài chính.

Ảnh: Thanh Hải

Về việc lấy ngưỡng chịu thuế, ông Phạm Đình Thi cho biết, theo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thì diện tích nhà ở bình quân toàn quốc theo mục tiêu đến năm 2020 đạt 25m2 sàn/người. Do đó, nếu tính một hộ gia đình trung bình là 4 người thì diện tích nhà trung bình cho một hộ gia đình khoảng 100m2. Theo quy định của pháp luật về xây dựng thì suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở bình quân khoảng 7,3 triệu đồng/m2 (suất vốn đầu tư xây dựng là căn cứ UBND tỉnh xây dựng và ban hành giá 1m2 nhà xây dựng mới). Khi đó, giá trị xây dựng mới của căn nhà 100m2 bình quân khoảng 730 triệu đồng. Do đó, Bộ Tài chính xây dựng phương án thuế suất thuế tài sản đối với nhà thuộc đối tượng chịu thuế theo 2 phương án là lấy ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng.

Vì sao không sử dụng diện tích để tính thuế?

Về lý do không sử dụng diện tích để tính thuế mà dùng giá trị, Bộ Tài chính cho biết, tuy áp dụng theo diện tích đơn giản, dễ thực hiện, thuận lợi trong việc xác định số thuế phải nộp; ổn định, không thay đổi theo thời giá. Việc áp dụng ngưỡng không chịu thuế theo giá trị nhằm đảm bảo mục tiêu của thuế tài sản, không điều tiết đối với nhà có giá trị dưới ngưỡng không chịu thuế, điều tiết cao đối với nhà có giá trị lớn, đảm bảo công bằng xã hội.

Với phương án 1, tức là thuế suất 0,3%, dự kiến số thu thuế sẽ được khoảng 22.700 tỷ đồng nếu áp dụng với nhà có giá trị hơn 1 tỷ đồng hoặc 23.300 tỷ đồng nếu áp dụng mức 700 triệu đồng. Đối với phương án 2, tức đánh thuế 0,4%, dự kiến mức thu sẽ lần lượt là 30.300 tỷ đồng và 31.000 tỷ đồng.

Lý giải vì sao không đánh thuế với nhà thứ 2 trở đi mà đánh thuế ngay căn đầu tiên, ông Phạm Đình Thi nêu 3 nguyên nhân. Thứ nhất là không đảm bảo công bằng, vì sẽ phát sinh trường hợp người chỉ có một căn nhà diện tích lớn, giá trị cao nhưng không bị đánh thuế, trong khi người sở hữu 2 căn nhà nhỏ lại bị đánh thuế.

Đối với tàu bay, ô tô, du thuyền cũng có 2 phương án. Phương án 1 là đánh thuế tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng. Phương án hai là không đánh thuế các đối tượng trên. Về giá tính thuế đối với tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên khi thực hiện phương án đánh thuế, Bộ Tài chính cho biết, đối với tàu bay, du thuyền, ô tô mới: Giá tính thuế là giá trị tài sản tại thời điểm tính thuế do UBND cấp tỉnh quy định. Đối với tàu bay, du thuyền, ô tô đã qua sử dụng: Giá tính thuế được xác định bằng giá trị tài sản mới nhân với tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của tài sản do UBND cấp tỉnh ban hành theo thời gian sử dụng tài sản tại thời điểm tính thuế.