Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bó tay với xe khách trá hình?

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều năm củng cố, từ một hiện tượng, xe khách trá hình đã trở thành cơn bão lớn “quét sạch” xe khách tuyến cố định (XKTCĐ) trên nhiều cung đường.

Giới chuyên gia cho rằng, thực chất xe khách trá hình đã đánh bại tất cả, từ DN làm ăn chân chính cho đến cơ quan quản lý Nhà nước và lực lượng chức năng.

Xe Limousine dừng đỗ khu vực công viên Cầu Giấy. Ảnh: Tuấn Anh  
Xe Limousine dừng đỗ khu vực công viên Cầu Giấy. Ảnh: Tuấn Anh  

Từ lách luật để nhờn luật

Xe khách trá hình hay còn gọi là xe limousine, xe VIP, đăng ký kinh doanh dưới dạng xe hợp đồng nhưng thường xuyên nhận đặt chỗ, vận chuyển khách liên tỉnh như xe khách tuyến cố định. Ban đầu lợi dụng quy định, xe hợp đồng dưới 10 chỗ ngồi không phải đăng ký trước danh sách khách đi với cơ quan quản lý, nhiều nhà xe mở văn phòng, nhận đặt chỗ, làm giả hợp đồng, đưa đón khách liên tỉnh.

Khi bị lực lượng chức năng kiểm tra thì chìa bản hợp đồng khống ra để đối phó. Sau một thời gian dài lách luật dễ dàng, cộng với lợi thế xe nhỏ dưới 10 chỗ ngồi, chạy nhanh, có thể luồn lách vào mọi ngõ ngách trong trung tâm TP để đón trả, xe khách trá hình đã chiếm được hầu hết thị phần của các tuyến ngắn từ Hà Nội đi: Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hải Phòng…

Dần dà, không chỉ xe dưới 10 chỗ, tuyến ngắn, mà nhiều tuyến dài đi Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh… với xe giường nằm, 45 chỗ cũng bắt đầu rập khuôn: Mở văn phòng, nhận đặt chỗ, làm hợp đồng khống, đưa đón khách liên tỉnh. Hà Nội là một trong những đô thị chịu hậu quả nặng nề nhất của cơn bão xe khách trá hình này với những bến cóc hình thành khắp nơi.

Hậu quả nhãn tiền là tình trạng ùn tắc giao thông, mất an ninh trật tự do xe khách trá hình góp phần rất lớn gây nên trong khu vực 12 quận nội thành. Giờ cao điểm hàng ngày, đâu đâu cũng có thể bắt gặp xe khách trá hình đón, trả khách, dừng đỗ bất chấp gây rối loạn giao thông.

Nếu trước đây, ùn tắc giao thông do xe khách chỉ xuất hiện chủ yếu tại khu vực có các bến xe lớn, thì nay đã lan tràn ra khắp TP. Không chỉ khiến áp lực giao thông tăng cao, xe khách trá hình còn khiến lực lượng chức năng vô cùng bối rối. Việc kiểm tra, xử lý loại hình này gặp rất nhiều khó khăn, không mang lại hiệu quả thiết thực.

Cùng với đó là sự rệu rã, đổ vỡ dây chuyền trong lĩnh vực vận tải khách liên tỉnh. Các bến xe giảm sản lượng chuyến lượt, hành khách từ 30 - 50%, nhiều tuyến “trắng” nốt. DN kinh doanh XKTCĐ “chết mòn” do không cạnh tranh nổi, chi phí lại cao hơn, nhiều ràng buộc hơn.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định: “Xe khách trá hình đã đánh bại tất cả, từ DN vận tải làm ăn chân chính, cơ quan quản lý Nhà nước cho đến lực lượng chức năng. Ai cũng biết đó là xe khách trá hình nhưng bó tay không làm gì nổi”.

Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội chia sẻ, ban đầu một số nhà xe chỉ lách luật để kinh doanh chộp giật, càng về sau này vi phạm càng bài bản, được ngụy trang tốt hơn. “Giới chuyên gia cũng đã vạch rõ kẽ hở trong quy định quản lý xe hợp đồng nhưng Bộ GTVT không bịt nổi. Các quy định đưa ra không đủ căn cứ để lực lượng chức năng xử phạt, khiến xe khách trá hình từ một hiện tượng trở thành cơn bão lớn càn quét khắp nơi, đang dần khiến thị trường vận tải sụp đổ” - vị này cho hay.

Lực lượng chức năng tại nhiều địa phương của Hà Nội vô cùng bối rối trước loại hình vi phạm này. Khi kiểm tra, xe có hợp đồng đưa đón khách, không có bất cứ dấu hiệu vi phạm nào để xử lý. Thậm chí có nhà xe còn thuê hẳn luật sư túc trực tại văn phòng đón khách để sẵn sàng cãi lý với CSGT, Thanh tra GTVT.

Các chuyên gia cho rằng, sau nhiều năm vừa làm vừa tự rút kinh nghiệm, xe khách trá hình đã không chỉ lách luật nữa mà thật sự là nhờn luật, tìm mọi cách chống đối luật pháp để kinh doanh tư lợi, bất chấp gây mất trật tự, ATGT cho Hà Nội.

Xe khách núp bóng xe hợp đồng chờ đón khách tại Hà Nội. Ảnh Trần Anh  
Xe khách núp bóng xe hợp đồng chờ đón khách tại Hà Nội. Ảnh Trần Anh  

Chấp nhận và buông xuôi?

Đại diện một DN khai thác XKTCĐ trên địa bàn Hà Nội đặt câu hỏi: “Chẳng lẽ Bộ GTVT, lực lượng chức năng đã thực sự buông xuôi, chấp nhận cho xe khách trá hình tồn tại, đẩy chúng tôi đến bờ vực phá sản?”. Đó cũng là tâm tư của không ít DN chịu thiệt hại nặng nề bởi xe khách trá hình nhiều năm qua.

Trong khi họ phải đóng nhiều loại thuế phí, bị buộc phải vào bến đón trả khách, thì đối thủ lại tiết kiệm chi phí hơn nhiều, thích đón trả khách ở đâu cũng được. Cuộc chiến không cân sức đó hoặc khiến các DN làm ăn chân chính phải rút khỏi thị trường hoặc đẩy họ ra đường, lao vào cuộc đua xe dù bến cóc để mưu sinh, tồn tại.

Hà Nội vốn đã chịu áp lực giao thông vô cùng lớn từ hàng triệu phương tiện cá nhân, lại thêm ùn tắc vì hàng nghìn chiếc xe khách trá hình tiện đâu đỗ đấy, bất chấp tất cả. Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát, xử lý xe khách trá hình lập văn phòng, dừng đỗ gây mất trật tự, ATGT. Thế nhưng, với hàng nghìn chiếc rải khắp TP, dừng đỗ hàng chục lượt trên mỗi tuyến đường, lực lượng chức năng phải làm thế nào để kiểm soát hết?

Các chuyên gia cho rằng, trước hết, với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Bộ GTVT phải nhìn nhận rõ vấn nạn xe khách trá hình, xem xét lại những lỗ hổng trong quy định quản lý xe hợp đồng. Từ đó đưa ra những quy định mới, có hiệu quả thiết thực để lực lượng chức năng có căn cứ xử phạt.

Mặt khác, các DN kinh doanh XKTCĐ cũng cần phải thay đổi, đem lại những tiện nghi, chất lượng dịch vụ tốt nhất cho hành khách để làm đối trọng với xe khách trá hình. Các địa phương, nhất là những đô thị lớn như Hà Nội cần bổ sung quy định kiểm soát hoạt động của các văn phòng xe hợp đồng, xe du lịch. Đặc biệt, Công an các địa phương phải phát huy rõ rệt hơn nữa vai trò của mình trong việc hỗ trợ, phối hợp với CSGT, Thanh tra GTVT xử lý vi phạm đón trả khách của xe khách trá hình.

Dư luận Nhân dân cũng đặt câu hỏi, vì sao xe khách trá hình có thể chui sâu vào mọi ngõ ngách trong địa bàn Hà Nội, tiện đâu dừng đấy, ung dung như sân nhà mình? Lý giải vấn đề này, chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng: “Công tác xử lý của lực lượng chức năng chưa thực chất, hiệu quả. Không loại trừ trường hợp, do gặp nhiều khó khăn, không đủ căn cứ pháp lý để xử phạt nên CSGT, Thanh tra GTVT, Cảnh sát trật tự… chán nản lờ đi vi phạm”.

Bên cạnh đó, nếu chỉ một địa phương như Hà Nội siết chặt kiểm tra xử lý sẽ không thể có hiệu quả cao. Nhiều tỉnh, TP khác chưa thực sự vào cuộc dẹp nạn xe khách trá hình, buông lỏng công tác quản lý DN. Chẳng lẽ xe khách trá hình đã thật sự đánh bại tất cả, trở thành một loại “xe vua” mới trong lĩnh vực vận tải?

 

Truy đuổi vi phạm giao thông chỉ là một biện pháp ứng phó tạm thời, không mang lại hiệu quả bền vững trong xử lý xe khách trá hình. Bộ GTVT và các địa phương cần tìm ra giải pháp triệt tận gốc rễ loại hình nhờn luật này.

Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành