Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bỏ thi thăng hạng viên chức: Giảm áp lực, tiết kiệm chi phí xã hội

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

KInhtedothi - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, trong đó đã bãi bỏ hình thức thi thăng hạng viên chức trên cả nước và gỡ khó cho các đơn vị trong quá trình thực hiện.

Điều này được dư luận hoan nghênh, đặc biệt giải tỏa được tâm tư bấy lâu của đội ngũ viên chức cả nước.

Tháo gỡ nhiều khúc mắc trong thực tiễn

Cách đây 2 năm từng dự thi thăng hạng lên giáo viên tiểu học hạng II, cô giáo Lê Thị Vân Anh, giảng dạy tại một trường tiểu học thuộc quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), chưa quên được những căng thẳng từ kỳ thi, khi phải trải qua 4 bài thi. “Nhiều giáo viên “trượt thăng hạng” bởi bài thi Ngoại ngữ, nhất là với giáo viên lớn tuổi như tôi, quá cực nhọc, phải mất hàng tuần để ôn tập, nghiên cứu, tự học hàng trăm trang tài liệu” - cô Lê Thị Vân Anh bày tỏ.

Việc bãi bỏ hình thức thi thăng hạng viên chức đáp ứng được mong mỏi bấy lâu của đội ngũ viên chức cả nước, với đa số là giáo viên. Trong ảnh: cô giáo và học sinh Trường Tiểu học Tiền Phong A, huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng
Việc bãi bỏ hình thức thi thăng hạng viên chức đáp ứng được mong mỏi bấy lâu của đội ngũ viên chức cả nước, với đa số là giáo viên. Trong ảnh: cô giáo và học sinh Trường Tiểu học Tiền Phong A, huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng

Theo nhiều viên chức ở Hà Nội, Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định viên chức thi thăng hạng phải làm các bài thi Kiến thức chung, Ngoại ngữ, Tin học (thi trắc nghiệm) và Nghiệp vụ chuyên ngành (thi viết), với nhiều nội dung thi chưa sát thực tiễn ngành nghề của họ. Nhất là không phải viên chức nào cũng giỏi ngoại ngữ, đặc biệt người lớn tuổi, sắp về hưu. Đáng nói là thi xong thường “để đấy”, vì không phải ai cũng áp dụng ngoại ngữ vào công việc nên vô hình trung tạo ra áp lực cho viên chức.

“Thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp không có nhiều ý nghĩa với việc nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Viên chức đạt thành tích cao, đáp ứng điều kiện cần và đủ, lẽ ra phải được ưu tiên xét thăng hạng. Rất mừng các cơ quan có thẩm quyền đã thấu hiểu nguyện vọng của đội ngũ viên chức để tham mưu Chính phủ quyết định bãi bỏ hình thức thi thăng hạng. Nay chỉ còn xét, sẽ tháo gỡ nhiều khúc mắc trong thực tiễn, tạo động lực để chúng tôi tận hiến với nghề" - cô giáo Lê Thị Vân Anh chia sẻ.

Thâm niên cao trong công tác quản lý giáo dục, nhà giáo Nguyễn Thị Bích Nga - Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Nhị (quận Hai Bà Trưng) cho hay, tâm lý chung của giáo viên trong trường là rất phấn khởi và ủng hộ Nghị định 85/2023/NĐ-CP vì qua nhiều năm giảng dạy, phấn đấu, với trình độ chuyên môn và bằng cấp, chứng chỉ đã có, nhiều thầy cô giáo đã có đủ điều kiện đáp ứng được việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, mà từ rất lâu chưa được thăng hạng.

Thực tế việc tổ chức kỳ thi thăng hạng bộc lộ nhiều bất cập, gây tốn kém và áp lực không đáng có cho đội ngũ viên chức. Từ nay không phải thi nữa, họ sẽ có thêm thời gian, sức lực đầu tư hiệu quả cho công việc.

Theo Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh, việc thi nâng ngạch công chức và thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức được thực hiện từ khi có Pháp lệnh Cán bộ, Công chức tháng 2/1998 đến nay. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thi nảy sinh một số bất cập, nhất là viên chức tập trung chủ yếu ở giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, là những ngành chưa ban hành quy định về tiêu chuẩn, điều kiện để tổ chức thi nên rất khó tiến hành.

Việc chưa quy định được nội dung thi chính cũng dẫn tới thi chưa sát với yêu cầu vị trí việc làm và công việc của viên chức, nên thi còn hình thức, không phản ánh được thực chất việc nâng cao chất lượng đội ngũ qua thi đánh giá. Ngoài ra, viên chức được quy định vị trí việc làm chưa rõ ràng, mà số viên chức cả nước rất lớn (gần 2 triệu người), nên việc tổ chức thi hằng năm rất khó. Do đó, những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện còn “xếp hàng” dài chưa được thi, ảnh hưởng lớn đến việc nâng cao trình độ và quyền lợi chính đáng của viên chức, đặc biệt giáo viên.

“Việc bỏ thi sẽ khắc phục được nhiều bất cập, nhất là giúp tiết kiệm chi phí xã hội, giảm thủ tục hành chính, giảm áp lực cho chính đội ngũ viên chức. Quan trọng nhất, thi hay xét đều nhằm nâng trình độ viên chức, nếu đáp ứng thì được bổ nhiệm vào ngạch viên chức cao hơn, nhưng việc thi lại không sát thực tiễn. Bởi vậy, tổ chức sát hạch trực tiếp sẽ đánh giá được trình độ năng lực của viên chức tích lũy qua quá trình công tác, tổ chức xét giúp đánh giá đúng người, đúng việc" - Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ khẳng định.

Tiêu chí xét thăng hạng rõ ràng, chính xác

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, với số viên chức trên cả nước hiện rất lớn, trong khi thăng hạng chủ yếu nhằm để tăng lương, nên việc tổ chức thi rất tốt kém, mất thời gian. Qua xét thăng hạng, viên chức hoàn thành nhiệm vụ thì có thể được cho tăng lương. Đặc biệt với viên chức là giáo viên, cán bộ nhân viên y tế chiếm tới 70 - 80% lực lượng viên chức, việc xét vừa đỡ tốn kém, áp lực, mà vẫn đảm bảo chất lượng.

Cũng theo chuyên gia này, Nghị định 85 ra đời đã quy định rất chi tiết, từ đó trực tiếp các địa phương, đơn vị chủ động tổ chức xét, cũng tương tự bình bầu thi đua hằng năm, có người được tăng lương sớm, có trường hợp theo niên hạn. Quan trọng là địa phương căn cứ đúng quy định nêu trong đó để triển khai phù hợp thực tế, có hướng dẫn cụ thể, kịp thời cho các đơn vị trực thuộc, làm sao rõ phương pháp và quy trình xét duyệt, đảm bảo minh bạch, khách quan, công bằng.

Đặc biệt, Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Nhị Nguyễn Thị Bích Nga cho hay, Nghị định này ra đời đáp ứng mong mỏi bấy lâu của các giáo viên nhưng họ cũng mong được thăng hạng qua các kỳ xét tuyển diễn ra đúng quy định, minh bạch, chính xác, giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính, mà vẫn đảm bảo các tiêu chí. “Làm sao khi có hồ sơ được xét, các thầy cô nói riêng và viên chức nói chung dù đáp ứng được hay bị loại thì kết quả đều cần đảm bảo có sức thuyết phục, để họ không cảm thấy không công bằng. Do đó, rất cần những tiêu chí rõ ràng cho việc xét thăng hạng và được công bố công khai”- nhà giáo Nguyễn Thị Bích Nga nhấn mạnh.

Chia sẻ về tình hình tại địa phương, Trưởng phòng Nội vụ huyện Gia Lâm Trần Trung Tuyết cho biết, viên chức huyện rất hồ hởi đón nhận Nghị định mới này, vì từ nay không còn chịu áp lực của chuyện thi cử. Tuy nhiên, họ mong muốn cơ quan chức năng sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể việc triển khai thực hiện Nghị định, sao cho thủ tục rõ ràng, thống nhất toàn quốc, không thể mỗi nơi làm một kiểu. Đặc biệt, có ý kiến băn khoăn là theo Nghị quyết của Quốc hội, từ ngày 1/7/2024 thực hiện trả lương theo vị trí việc làm, thì lúc đó còn tổ chức thi thăng hạng nữa không?

Hơn nữa, các viên chức lo lắng vì tại Hà Nội khác các địa phương về số người ở mỗi vị trí việc làm. Như trong cùng một trường tiểu học nhưng ở Hà Nội đông hơn, đòi hỏi cao hơn về trình độ của hạng II so với ở nơi khác, nhất là so với vùng sâu xa nhưng số lượng cũng chỉ cho nhất định, chứ không có quy định tỷ lệ cụ thể với mỗi chức danh. Giải quyết được vấn đề cơ bản này thì mới ổn định tình hình.

Cũng theo Trưởng Phòng Nội vụ huyện Gia Lâm, huyện có khoảng 3.700 viên chức, trong đó hơn 3.000 giáo viên tại 79 cơ sở giáo dục. Bài toán khó là nhiều chuyên ngành, viên chức muốn đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp nhưng không có nơi dạy, nên khó lên được hạng cao. “Viên chức mong có thêm cơ sở bồi dưỡng chứng chỉ để có thể đảm bảo trình độ, đủ điều kiện được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp”- ông Trần Trung Tuyết nói.

 

Ngay sau khi có Nghị định 85/2023/NĐ-CP, tuần qua, Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn 7415/BNV-CCVC về việc thực hiện các quy định thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Trong đó, đề nghị các bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khẩn trương ban hành quy định về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng theo khoản 16 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP, đảm bảo đúng thời hạn quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định này, làm căn cứ để các bộ, ngành, địa phương kịp thời tổ chức xét thăng hạng viên chức.

Việc thi có tiêu chuẩn điều kiện là phải có chứng chỉ chuyên ngành, ví dụ phóng viên muốn thi nâng ngạch báo chí phải có chứng chỉ chuyên ngành báo chí. Nếu chúng ta chưa tổ chức được việc học những lớp này thì chưa có chứng chỉ, chưa đủ điều kiện dự thi - chính là rào cản trong việc thi. Hơn nữa, quá trình thi rất tốn kém, phải chi phí lớn cho Ban Tổ chức, thí sinh mất thời gian ôn tập, công đi lại...
Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh