Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ tiêu chuẩn mới chức danh GS, PGS: Chưa thật sự đột phá

Thủy Trúc thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành có tiến bộ, từng bước tiệm cận với chuẩn thế giới. Tuy nhiên, GS.TSKH Đặng Ứng Vận – Chủ tịch Hội đồng Chức danh GS liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm cho rằng, bộ tiêu chuẩn này chưa mang tính đột phá.

 
Chưa quy định đóng góp của ứng viên GS, PGS cho xã hội
Ông có nhận xét gì về bộ tiêu chuẩn mới chức danh GS, PGS?

- Bộ tiêu chuẩn mới có tiến bộ hơn so với tiêu chuẩn cũ, bởi nó đã trải qua quá trình thảo luận, sửa chữa, lấy được khá nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học và của xã hội để khắc phục một số nhược điểm của tiêu chuẩn cũ. Đồng thời tạo điều kiện cho việc tiến hành xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. Đi vào chi tiết, có một số mốc tiêu chuẩn cao hơn. Trong xu thế chung, bộ tiêu chuẩn mới đã nâng các tiêu chuẩn, đặc biệt là công bố quốc tế, hướng dẫn thạc sĩ và nghiên cứu sinh.

Bộ tiêu chuẩn mới có cái hay là khả năng chuyển đổi lớn, nghĩa là khi thiếu tiêu chuẩn này thì có thể bù đắp bằng tiêu chuẩn khác. Thực ra, trước đây quy định này cũng có nhưng chỉ áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt. Trong khi lần này mang tính đại trà hơn. Nhưng, điều tôi băn khoăn ở bộ tiêu chuẩn này là chưa tạo được tính đột phá.

Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

- Tôi muốn nói đến đóng góp trên thực tế của ứng viên GS, PGS cho sự phát triển của giáo dục nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung. Hiện nay, chưa quy định việc này vào mục nào, cho dù trước đó xã hội đã nêu ra, bản thân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đặt ra với Hội đồng chức danh GS Nhà nước. Làm sao để lượng hóa được những đóng góp của ứng viên GS, PGS cho xã hội, làm thế nào để thể hiện nó được thành quy trình, tiêu chí là việc khó. Nhưng, tới đây sẽ phải giải quyết vấn đề này thì chức danh GS, PGS mới gần với thực tiễn của Việt Nam nhưng vẫn phù hợp với xu thế quốc tế.
Trao giấy chứng nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Đoàn Hương

Hướng mở cho quy định công bố quốc tế

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định ứng viên GS là tác giả chính đã công bố được ít nhất 3 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế là khó khả thi, nhất là đối với những ngành khoa học xã hội?

- Khi chúng ta mở rộng hợp tác quốc tế, các cán bộ trẻ ở trường đại học, viện nghiên cứu được đi ra nước ngoài giao lưu, hợp tác rất lớn. Khi họ trở về công tác tại các cơ quan nghiên cứu có uy tín thì những công trình công bố quốc tế ở những tạp chí có chất lượng cao là không quá khó khăn. Nhưng, thực ra quy định 3 bài báo công bố quốc tế cũng có khó khăn đối với nhiều ứng viên. Tôi có hỏi một số GS, PGS ngành kinh tế - tài chính, tại sao công trình công bố quốc tế ít? Và câu trả lời là phải có số liệu gốc. Tức là, khi số liệu gốc đã được pha chế rồi, mà công trình của anh lại sử dụng dữ liệu thứ cấp thì không được đăng.

Tuy nhiên, trong bộ tiêu chuẩn mới chức danh GS, PGS, yêu cầu công bố quốc tế không quy định phải được đăng ở danh mục tạp chí có chất lượng cao nhất. Điều quan trọng là công bố trên tạp chí được bao nhiêu điểm. Tôi nghĩ, nếu các nhà khoa học cố gắng sẽ làm được. Còn việc nói là lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn khó có công trình được đăng trên tạp chí quốc tế vì ít người quan tâm, điều này không hẳn đúng. Bởi hội thảo Việt Nam học mang tính quốc gia được tổ chức năm trước đã có rất nhiều học giả quốc tế đến tham dự và có những bài tham luận sâu sắc.

Trong việc công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS, yếu tố con người trong hội đồng đánh giá là quan trọng nhất. Tuy nhiên, quy định mới chưa nói nhiều đến vấn đề này?

- Không hẳn như vậy. Bộ tiêu chuẩn mới có thay đổi rất lớn, đó là tỷ lệ bỏ phiếu xét của các hội đồng. Chẳng hạn, mỗi hồ sơ của ứng viên phải đạt ít nhất 2/3 số phiếu của tổng số thành viên GS cơ sở, thay vì 3/4 số phiếu như dự thảo, để tránh những trường hợp mang tính tiêu cực hay động cơ khác. Vì, nếu không ưa ai đó, chỉ 2 - 3 thành viên trong hội đồng lắc đầu đã hỏng. Bên cạnh đó, quy định mới hướng đến đa số, hơn nữa, phần lớn các thầy trong hội đồng đều rất trách nhiệm và công bằng.

Xin cảm ơn ông!