Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: dự kiến từ năm học tới, sẽ không thu phí khi dạy buổi học thứ hai

Kinhtedothi - Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chuẩn bị tổ chức buổi dạy thứ hai trong nhà trường vào năm học tới theo tinh thần không thu bất kỳ chi phí nào từ người học.

Chiều 22/5, tại phiên thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3- 5 tuổi và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã phát biểu làm rõ một số ý kiến của đại biểu.

Quang cảnh thảo luận tổ của các đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội - Ảnh: Phạm Thắng

Theo đó, về phổ cập phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi, các ý kiến băn khoăn về tính khả thi, lộ trình thực hiện, nguồn kinh phí triển khai… Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, dự thảo Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi nêu: giao Chính phủ xây dựng một đề án cụ thể để triển khai vì sẽ kéo dài trong 5 năm. Chính phủ sẽ thẩm định công phu đề án, kinh phí thực hiện trong tổng ngân sách và sẽ báo cáo Quốc hội, sau đó Quốc hội thông qua.

Đối với ý kiến của đại biểu Quốc hội liên quan đến việc phân bổ dự toán kinh phí giai đoạn 2026 - 2030 để phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi là 116.314,1 tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin, quá trình triển khai Nghị quyết sẽ rất công phu và đầy thách thức. Dự thảo Nghị quyết thể hiện tinh thần phân cấp, giao Chính phủ xây dựng đề án cụ thể, chi tiết để triển khai.

Trước ý kiến băn khoăn về việc miễn học phí ở các trường công lập có thể khiến lượng học sinh chuyển từ trường tư sang trường công tăng mạnh, dẫn đến nguy cơ quá tải hệ thống trường công, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng  tỷ lệ trường công vẫn chiếm số lượng rất cao. Các trường ngoài công lập ở Thủ đô Hà Nội cũng được đầu tư, có uy tín; nhiều trường trong quá trình tuyển sinh hằng năm hồ sơ xếp hàng cũng rất nhiều.

Theo Bộ trưởng, qua các con số cho thấy số lượng tuyển sinh vào các trường tư cũng áp lực không kém trường công. Vì vậy, lo ngại của đại biểu về vấn đề này là có cơ sở nhưng cũng không phải quá lo lắng.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi thảo luận - Ảnh: Phạm Thắng

Đối với quy định hỗ trợ học phí cho người học tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, dự thảo Nghị quyết đã quy định HĐND các tỉnh, thành phố xác định mức học phí hỗ trợ cho trường công thì sẽ hỗ trợ cho học sinh các trường ngoài công lập với mức tương đương, phần chênh lệch thì cha mẹ, phụ huynh, người giám hộ sẽ đóng thêm.

Trước lo lắng của các đại biểu khi áp dụng chính sách miễn, hỗ trợ học phí ở các địa phương khó khăn, không tự cân đối được ngân sách, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện nay cả nước đã có 10 tỉnh, thành phố thực hiện chính sách miễn, hỗ trợ học phí cho học sinh. Với các địa phương chưa tự cân đối được thì ngân sách Trung ương sẽ cấp bù. Trong số 30.600 tỷ đồng miễn, hỗ trợ học phí cho học sinh đã tính đến số lượng sẽ cấp bù cho các tỉnh, thành.

"Chính phủ sẽ ban hành nghị định mới để thay thế cho Nghị định 81 về học phí hiện nay, dự kiến trong tháng 6 này sẽ hoàn thành để sau khi nghị quyết được Quốc hội ban hành, Chính phủ cũng sẽ ban hành ngay nghị định, kịp thời triển khai từ năm học tới"- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Đối với việc kiểm soát các khoản thu khác ngoài học phí khi áp dụng miễn học phí, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, vấn đề dạy thêm, học thêm được người dân, đại biểu Quốc hội quan tâm, có 3 đối tượng trong nhà trường tổ chức dạy thêm và không thu tiền gồm: các em học tập còn yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh ôn thi tốt nghiệp cuối cấp. Việc này thuộc trách nhiệm của nhà trường và việc xem xét hỗ trợ cho nhà trường, giáo viên khi thực hiện dạy thêm cho 3 đối tượng học sinh này tùy theo điều kiện của các địa phương, nhưng về nguyên tắc đó là trách nhiệm của nhà trường.

Theo tư lệnh ngành giáo dục, hiện chỉ đạo của Trung ương, hiện nay, ngành giáo dục đang lên phương án để tổ chức buổi học thứ hai cho học sinh trong trường tiểu học, THCS với tinh thần không được thu phí, bắt đầu từ năm học tới. Tất cả các quy định này là đều hướng đến giáo dục phổ thông công lập không thu học phí.

Hà Nội luôn quan tâm đầu tư cho giáo dục và đào tạo

Hà Nội luôn quan tâm đầu tư cho giáo dục và đào tạo

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ