Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: Người Việt Nam cũng có quyền ăn những sản vật ngon

Khang Nhi - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại buổi chất vấn sáng 6/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) đã đưa ra câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường rằng: Sản phẩm cá ngừ đại dương là sản phẩm chất lượng có giá trị xuất khẩu của Việt Nam, nếu làm tốt khâu bảo quản sẽ nâng cao hiệu quả kim ngạch của sản phẩm này. Để sản phẩm này là xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, ông hỏi Bộ trưởng có giải pháp gì hỗ trợ ngư dân bảo quản tốt sản phẩm?

Bộ trưởng  Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh hiện nay cá ngừ là sản vật khai thác ở vùng biển của ta, đã có giá trị xuất khẩu lên đến 650 triệu USD. “Đây là sản phẩm rất có giá trị, tôi đồng ý với đại biểu nếu có giải pháp thì sẽ còn cho giá trị cao hơn”, ông Cường nói.
Nêu một mô hình làm tốt ở Khánh Hòa, nhưng theo Bộ trưởng Cường, mô hình tiên tiến chưa được áp dụng đại trà. Nếu làm tốt chúng ta có thể nâng cao gấp đôi, thậm chí gấp ba giá trị xuất khẩu của cá ngừ. Ông nhấn mạnh cần tập trung vấn đề công nghệ chế biến và liên kết tổ chức sản xuất, như ở Khánh Hòa có liên kết của ngư dân với 145 tàu, khi đánh bắt được cá ngừ sẽ có tàu chở về để chế biến ngay. Nếu nhân rộng được mô hình này, giá trị nghề khai thác, chế biến cá ngừ có thể tăng gấp 2-3 lần. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng cần tổ chức chuỗi khai thác trên biển, tập trung công nghệ chế biến và phát triển thị trường.
“Đi đôi với mở rộng thị trường xuất khẩu, hãy nhớ phục vụ thị trường 100 triệu dân của Việt Nam vì chúng ta có quyền ăn những sản vật ngon”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói và cảm ơn đại biểu đã hỏi câu hỏi này để Bộ nhìn thấy vấn đề, từ đó sẽ có giải pháp chú trọng hơn.
Về giải pháp khắc phục tình trạng ngư dân Việt Nam đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài, Bộ trưởng cho biết, hằng năm chúng ta đang khai thác ở mức 3,1 - 3,2 triệu tấn, quá mức so với trữ lượng hải sản. Đội tàu của chúng ta đang quá đông, do đó Chính phủ có phương hướng giảm sản lượng khai thác, thay đổi cơ cấu kinh tế, đó là tăng cường nuôi biển. Tại Kiên Giang, trước đây có 1 xã gần như 100% đi khai thác hải sản, nhưng đến nay hơn 1.000 hộ chuyển hướng nuôi cá lồng. Đây là xã nông thôn mới, đời sống của người dân rất cao.
Cây dừa có thể trở thành cây tỷ phú
Ngoài ra, tại buổi chất vấn, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đưa ra câu hỏi về biện pháp tháo gỡ khó khăn nâng cao sản phẩm cây dừa Việt Nam. Bên cạnh đó, yêu cầu Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu biện pháp để gỡ thẻ vàng EU.
Trả lời đại biểu Nhưỡng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết cây dừa là một cây lợi thế trong ứng phó biến đổi khí hậu và khai thác tài nguyên của Việt Nam. “Cây dừa mà tập hợp tốt sẽ trở thành cây tỷ phú được”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Hiện diện tích trồng dừa của thế giới đang giảm, cho nên chúng ta cần phải tập trung. Bên cạnh đó, cây này chịu được độ mặn, nếu tập trung phát triển tốt thì cây dừa có thể là cây tỷ phú được.

Do đó, Bộ NNPTNT đã tập trung triển khai thực hiện các nhóm giải pháp như: Nghiên cứu các đề tài khoa học, giao cho Trà Vinh và một doanh nghiệp nhân giống vô tính cây dừa, vùng nào trồng giống dừa lấy dầu, vùng nào trồng dừa phục vụ công nghiệp chế biến để đem lại hiệu quả... Bộ NNPTNT sẽ cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ để triển khai chủ trương này.

Không ai dự báo được ngày mai giá cả thế nào
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng khâu chế biến và tổ chức thương mại đang để lộ nhiều bất cập. “Nếu không cải thiện được khâu chế biến, thì không dập được chuyện hôm nay được, ngày mai mất. Nền kinh tế thị trường cũng rất khó đấy, không ai dự báo được ngày mai cái gì giá thế nào cả”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn chứng, ở Tây Nguyên có 5 triệu ha đất, có 5 cây công nghiệp chủ lực, nhưng giai đoạn trước kia phát triển quá nóng. Riêng Việt Nam, sản lượng hồ tiêu đã là 350.000 tấn, chiếm đến 60% sản lượng của thế giới, như vậy là quá thừa. “Trách nhiệm của bộ với các ngành, chúng tôi đã bàn kỹ, tới đây tập trung chế biến. Thứ hai, tổng rà soát lại, phát triển các ngành lợi thế. Như cây tiêu chỉ dừng đến mức nào thôi, không để vọt lên 150.000 ha trong khi quy hoạch đến năm 2020 chỉ có 55.000 ha. Diện tích không hiệu quả, kém canh tác phải nhường chỗ cho cây khác”, ông Cường nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần