Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ điều trần về liên hệ với Nga: Ám ảnh chưa hồi kết

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bước sang tháng thứ 6 kể từ khi có chính quyền mới, nước Mỹ vẫn chưa thể khép lại những tranh cãi nội bộ để tập trung vào các chính sách quan trọng.

Trong buổi điều trần trước Thượng viện hôm 14/6 (giờ Việt Nam), Bộ trưởng Bộ  Tư pháp Mỹ Jeff Sessions đã tuyên bố, cáo buộc ông có liên hệ với Nga nhằm tác động đến cuộc bầu cử Tổng thống 2016 là “dối trá”.

 Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions là quan chức cấp cao nhất phải ra điều trần vì mối liên hệ với Nga.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Sessions đồng thời cũng là một cố vấn cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump. Phiên điều trần kéo dài 2,5 tiếng đồng hồ đã trở nên căng thẳng khi ông Sessions tranh cãi gay gắt với các nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ và từ chối cung cấp chi tiết cuộc nói chuyện giữa ông với Tổng thống Trump. 

Cụ thể, ông Sessions từ chối trả lời về việc liệu ông và Tổng thống Trump có trao đổi về cuộc điều tra do cựu Giám đốc Cục Điều tra liên bang (FBI) James Comey tiến hành đối với đội ngũ vận động tranh cử của ông Trump hay không. Ông cũng từ chối trả lời câu hỏi liệu Tổng thống Trump có tỏ ra quan ngại về việc ông rút khỏi cuộc điều tra.

Thượng nghị sĩ (TNS) Dân chủ Martin Heinrich cáo buộc Bộ trưởng Bộ Tư pháp cản trở cuộc điều tra khi không trả lời các câu hỏi trong phiên điều trần liên quan đến các cuộc đối thoại giữa ông và Tổng thống. “Ông đã tuyên thệ sẽ nói sự thật, tất cả sự thật và không gì ngoài sự thật. Nhưng ông lại không chịu trả lời”, TNS Heinrich chỉ trích. Trong khi đó, TNS Ron Wyden cho rằng, người dân Mỹ đang bị che giấu thông tin. TNS Angus King đã đặt câu hỏi về tính pháp lý của việc ông Sessions từ chối trả lời các câu hỏi trong phiên vì Tổng thống Trump không áp dụng quyền giữ kín thông tin đối với vụ việc. Đáp lại, ông Sessions cho hay, ông chỉ đang "bảo vệ quyền của Tổng thống”. Ông Sessions khẳng định, chính sách của Bộ Tư pháp là bảo vệ các cuộc trò chuyện riêng tư của Tổng thống nhưng lại không dẫn ra được bất kỳ quy định cụ thể nào bằng văn bản.

Lời khai của ông Sessions không đưa ra thông tin gì mới về cáo buộc liên hệ giữa đội ngũ vận động tranh cử của ông Trump với Nga, cũng như quyết định sa thải ông Comey. Tuy nhiên, việc ông từ chối thông tin về nội dung trao đổi với Tổng thống Trump khiên dư luận đặt nghi vấn về khả năng Nhà Trắng đang che giấu thông tin của cuộc điều tra. Các thành viên đảng Dân chủ ở Thượng viện cho rằng, bằng quyết tâm giữ bí mật đến cùng nội dung cuộc trao đổi với Tổng thống, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đang đứng về quyền lợi của Tổng thống chứ không phải của đa số người Mỹ. 

Bộ trưởng Jeff Sessions là quan chức cao cấp nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump phải điều trần trước Thượng viện về những cáo buộc liên quan đến Nga và cuộc bầu cử Mỹ. Cuộc điều trần giữa Bộ trưởng Bộ Tư pháp với các TNS đảng Dân chủ đã kéo dài thêm một chương nữa trong cuộc tranh cãi chưa hồi kết về liên hệ giữa đội ngũ tranh cử của ông Trump và Moscow. Các cuộc tranh cãi này đã thu hút sự quan tâm của người Mỹ và giới chính trị đến mức lấn át cả việc điều hành đất nước của Tổng thống. Đã bước sang tháng thứ 6 kể từ khi có ông Trump lên nắm quyền, nước Mỹ vẫn chưa thể khép lại những tranh cãi nội bộ từ cuộc bầu cử Tổng thống để tập trung vào chương trình nghị sự đối nội quan trọng bao gồm các sáng kiến ​​chăm sóc sức khoẻ và cắt giảm thuế mà ông cam kết.