Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến: Nếu ứng xử thật lòng thì khó mấy chúng ta vẫn sẽ có cách giải quyết

Như Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên thảo luận chiều 4/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã tham gia giải trình một số vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm.

Cho rằng ý kiến của các đại biểu Quốc hội về thực trạng, những khó khăn trong đời sống và bất cập của chính sách cũng như một số giải pháp được đại biểu đề xuất liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số là đúng với thực tế, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, Ủy ban Dân tộc và Hội đồng Dân tộc cũng đã nhiều lần đề cập các nội dung này. Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX về công tác dân tộc và ban hành Kết luận số 65 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.

Theo tinh thần đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm chính trị cao, hoàn thành xây dựng Đề án tổng thể và xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trình Quốc hội và được sự ủng hộ ngay từ đầu của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 phê duyệt Đề án tổng thể và ban hành Nghị quyết Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Đây là quyết sách mang tính lịch sử. Ngay sau đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết kèm theo Kế hoạch chi tiết để thực hiện.
Hiện nay đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia này do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm Trưởng ban; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm Phó Trưởng ban Thường trực. Đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi và đã thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý IV.2020 và Ủy ban Dân tộc là cơ quan thường trực cũng đã hoàn thành xây dựng 3 tiêu chí: tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển. Tiêu chí phân nhóm dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn và nhóm dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù trình với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồng bộ để tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
Ủy ban Dân tộc cũng đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp và dự toán kinh phí ngân sách của giai đoạn 2021 - 2025 trình Quốc hội và trong tài liệu của các ĐBQH đã có nội dung này. Nguồn vốn đã được bố trí trong giai đoạn 2021 và vốn trung hạn 2021 - 2025.
“Chúng tôi đã triển khai thực hiện rất công khai, minh bạch, đã thông báo nguồn vốn công khai đến 51 tỉnh thuộc khu vực, tỉnh đó thì dự án nào, được bao nhiêu tiền, thực hiện nội dung gì. Trên cơ sở tiếp nhận lại thông tin của các tỉnh chúng tôi đã làm việc với 15 tỉnh và cũng đánh giá nhận định rằng, đây là một quyết sách hết sức đúng đắn. Khi chúng ta hiện thực hóa mục tiêu chương trình quốc gia này thì sẽ giải quyết căn cơ những nội dung, những khó khăn và chắc chắn đời sống của đồng bào sẽ được nâng lên một bước”, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết, mới đây, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương về kinh tế - xã hội năm 2021 đã ghi rõ: tổ chức thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, nhấn đậm nét về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh - tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Như vậy, chúng ta cũng có thể chia sẻ giai đoạn này Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành đã dành sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo rất đồng bộ về các văn bản, quan điểm, chủ trương, đường lối, dự án của chúng ta đã có bề dày giờ chỉ có triển khai thực hiện thôi.
“Tôi cũng chia sẻ, tôi hiểu cái này cũng sốt ruột nhưng mà những quy định này phải tuân thủ theo quy định nhà nước và chúng ta phải có một thời gian chứ “dục tốc thì bất đạt". Tất cả chúng ta cũng mong là triển khai có hiệu quả Các giải pháp mà đại biểu Quốc hội đã nêu được thể hiện rất rõ, cụ thể trong nghị quyết của Quốc hội. Chúng tôi hứa là sẽ thực hiện nghiêm túc và cầu thị nhất về chương trình mục tiêu của chúng ta đạt được kết quả mong muốn”, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến nói.
Về nguồn lực, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho biết thêm, trong lúc đất nước còn khó khăn, ngân sách hạn hẹp, đại dịch Covid-19 khiến nhiều chỉ tiêu thu không đạt nhưng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ vẫn dành gần 5 tỷ USD, tức 104 nghìn tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn này. Đây là một sự quan tâm rất đặc biệt chứ không phải là con số nhỏ.
Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến chia sẻ với những đau thương, mất mát của đồng bào miền Trung trong cơn bão lũ qua, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi thiệt hại nặng nề nhất cả về tài sản, tính mạng và cơ sở hạ tầng. Đảng và Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, toàn xã hội rất quan tâm. Ban Bí thư có chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ vào tận nơi, vào tận bệnh viện thăm bà con dân tộc thiểu số bị thương vong và chỉ đạo cấp nào cấp tiền và không để dân bị đói, bị khát, không để bị bệnh mà không được cứu chữa. Đây không phải chỉ là mệnh lệnh của Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ mà đây thực sự còn là một mệnh lệnh từ trái tim, một truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Đảng, Nhà nước Chính phủ đã dành sự quan tâm rất đặc biệt như vậy; quân đội, công an, anh em ngày đêm thực hiện chỉ đạo của cấp trên để cứu giúp bà con, đưa cả trực thăng để đưa đồ cứu trợ mà phải vượt cả biên giới của mình để mà đi vào cái vùng mà chúng ta vẫn bị biệt lập.
Trong hoạn nạn thấy được tình đồng chí, nghĩa đồng bào rất quý. Với trách nhiệm của mình, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cân đối lại nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia này và sẽ ưu tiên tăng thêm cho các tỉnh vùng bị lũ miền Trung để góp phần giải quyết nhà ở và phục hồi sinh kế cho đồng bào, sớm ổn định cuộc sống.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành, các nhà khoa học nghiên cứu kỹ các yếu tố tự nhiên, xã hội tìm nguyên nhân và giải pháp để bảo đảm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Như thế là cần thiết và kịp thời. Đánh giá cảm quan của chúng ta bây giờ kết luận do cái gì theo Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến là vẫn chưa đầy đủ và cũng chưa có sức thuyết phục. Độ che phủ rừng của nước ta trên 42 % so với nước ngay bên cạnh 26 % thì không phải là thấp. Nhưng mưa dồn dập với lưu lượng rất lớn, thời gian kéo dài, độ dốc cao mà đặc điểm của miền Trung dốc lại chạy từ miền núi xuống. Với độ dốc cao như vậy, với một lưu lượng lớn như thế thì lấy để ngăn dòng chảy này?
“Tôi cũng là người sinh ra và lớn lên ở núi, ngay chân núi Tam Đảo. Các cụ xưa có câu “mưa ngàn, gió núi” kinh khủng lắm. Những viên đá nặng hơn tấn, nước đẩy đi lăn lông lốc. Lúc này, theo chúng tôi, chỉ đạo để ứng cứu giúp đồng bào ổn định cuộc sống là quan trọng nhất. Mọi thứ khác chúng ta sẽ giải quyết dần và trước sự việc phức tạp, khó khăn còn có nhiều ý kiến khác nhau. Nếu chúng ta ứng xử thật lòng thì khó mấy chúng ta vẫn sẽ có cách giải quyết”, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến nói.