Bộ trưởng Nông nghiệp: Cấp bách ứng phó bão số 8 theo 3 hướng chủ đạo

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước diễn biến bão số 8 có khả năng gây mưa lớn tại miền Trung trong thời gian tới, ngày 21/10, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp triển khai công tác ứng phó.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại cuộc họp ứng phó bão số 8 ngày 21/10
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, bão số 8 đang tiếp tục di chuyển nhanh vào đất liền. Dự kiến ngày 25/10, sẽ tiếp tục gây mưa lớn tại các tỉnh khu vực miền Trung. Đáng chú ý, diện phủ ảnh hưởng từ bão số 8 được đánh giá là rộng nhất trong năm 2020, cả về cường độ và hướng di chuyển.
Trước khả năng bão số 8 gây mưa lớn tại các tỉnh miền Trung, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó mưa lũ theo 3 hướng.
Thứ nhất về hướng biển, mặc dù bão còn cách khá xa, nhưng gió mạnh đã tác động đến khu vực trên biển. Do đó, các đơn vị có liên quan cần tập trung phối hợp kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú để bảo đảm an toàn. Các hoạt động kinh tế biển cũng phải bảo đảm, hạn chế thấp nhất những thiệt hại.
Đặc biệt, ông Nguyễn Xuân Cường lưu ý trong những đợt thiên tai vừa qua, có 8 tàu vận tải, vãng lai gặp nạn, trong khi 61.000 tàu thuyền thì không sao. “Phương tiện vãng lai tiềm ẩn nguy cơ rủi ro rất cao, do chủ phương tiện không biết luồng lạch, thiếu kỹ năng…” – ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Đối với hướng rừng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đề nghị cần đặc biệt chú ý đến nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Sườn Tây của khu vực miền Trung đã bão hòa nước. Do đó toàn bộ các hoạt động kinh tế, phục hồi sau mưa lũ cần hết sức chú ý; chỉ cần một tác động nhỏ thì rất nguy hiểm. 
Đối với hướng trũng, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay tại các lưu vực sông tại miền Trung, nước đang rút, hầu hết đã xuống báo động 2. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý khu vực huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình) và Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Đây là những khu vực mực nước còn cao và rút chậm. 
Trước khả năng mưa lớn tiếp diễn tại các tỉnh miền Trung từ ngày 25 – 26/10, ông Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương tập trung rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho hồ đập. Sẵn sàng phương án di dân vùng có khả năng chịu ảnh hưởng của mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất…
“Tất cả hệ thống hồ chứa miền Trung đã cơ bản đầy nước. Do đó an toàn hồ chứa cần đặt trong tầm kiểm soát chặt chẽ nhất. Đặc biệt là các hồ nhỏ, nếu không chú ý, để xảy ra sự cố thì sẽ là thảm hoạ” – ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần