Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ TT&TT tiếp tục ‘quét sạch’ sim ‘rác’

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 10 của Bộ TT&TT, Thứ trưởng Phạm Đức Long một lần nữa nhấn mạnh, Bộ sẽ quyết liệt xử lý, không có vùng cấm trong vấn đề SIM rác, SIM không chính chủ.

Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, trong trường hợp cần thiết, Bộ TT&TT sẵn sàng đình chỉ việc phát triển thuê bao mới của các nhà mạng để xảy ra sai phạm.

“Bộ TT&TT sẽ không dung túng cho doanh nghiệp, đại lý bán SIM rác, không để méo mó thị trường viễn thông”, Thứ trưởng Phạm Đức Long khẳng định.

Bộ TT&TT tiếp tục ‘quét sạch’ sim ‘rác’. (Ảnh minh họa)
Bộ TT&TT tiếp tục ‘quét sạch’ sim ‘rác’. (Ảnh minh họa)

Nghị định số 49/2017/NĐ-CP đã quy định phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng trên mỗi điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền đối với hành vi bán, lưu thông trên thị trường sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước; mua bán, trao đổi hoặc sử dụng sim đa năng, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước cho sim thuê bao….

Trong thời gian trước, Bộ TT&TT và các nhà mạng đã liên tục có nhiều biện pháp nhằm triệt tiêu sim 'rác'.

Thống kê của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho thấy, trung bình hàng tháng, có khoảng 1,5 triệu SIM thuê bao mới được bán ra trên thị trường di động. 

Trong đó, 3 nhà mạng lớn là Viettel, VNPT, MobiFone chiếm khoảng 85% thuê bao phát triển mới. Các nhà mạng còn lại như Vietnamobile, Wintel, Local,... hiện chiếm 15% tổng lượng thuê bao mới bán ra thị trường.

Trên thực tế, thời gian qua, việc kích hoạt SIM mới của 3 nhà mạng lớn đang được siết chặt do các đơn vị này đã kết nối trực tiếp tới Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Khi đăng ký mới, thuê bao của 3 nhà mạng này sẽ được đối soát online, nếu khớp với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, thuê bao mới được chấp nhận.

Hiện những nhà mạng còn lại, chủ yếu là các mạng ảo chưa kết nối được với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Để đảm bảo thuê bao mới là SIM chính chủ, định kỳ hàng tháng, các nhà mạng này sẽ phải gửi số liệu người dùng mới đến Bộ TT&TT. Sau quá trình đối soát, nếu không đúng với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, thuê bao mới sẽ bị xóa khỏi hệ thống.

Tuy nhiên, tại nhiều cửa hàng sim thẻ, người dùng vẫn có thể dễ dàng mua sim đã kích hoạt và dùng luôn. Các đại lý đã lách luật khi thuê người đứng tên thuê bao, sau đó bán ra thị trường. Dẫn đến tình trạng sim bán ra vẫn đầy đủ thông tin theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhưng không chính chủ, cũng có nghĩa là cuộc gọi rác, tin nhắn rác vẫn tồn tại.

Không chỉ mua sim dễ dàng ở nhiều cửa hàng, thời gian qua sim còn được bán trực tiếp tràn lan trên các nền tảng như Tiktok, Shopee... Thậm chí có thể mua số lượng lớn hàng trăm sim cũng không phải đăng ký giấy tờ gì. Một chuyên gia viễn thông cho biết, nếu mỗi người có thể đăng ký tối đa 3 sim chính chủ trên một nhà mạng viễn thông, với 5 nhà mạng, trung bình một người có thể đăng ký 15 đầu số. Một công ty dịch vụ với 100 nhân viên là đã có 1.500 đầu số để "dội bom" người dùng.