Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ Xây dựng: Căn hộ diện tích 25m2 là phù hợp với thông lệ quốc tế

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, thông tin Bộ Xây dựng “cởi trói” cho phép doanh nghiệp xây dựng nhà ở thương mại có diện tích tối thiểu 25m2 đang dành sự quan tâm đặc biệt từ dư luận.

  Người ủng hộ lập luận rằng việc phát triển căn hộ 25m2 sẽ mở ra hi vọng cho người thu nhập thấp có cơ hội sở hữu nhà. Trong khi đó, bên phản đối lại lo ngại những căn hộ diện tích nhỏ sẽ bị người dân tự cơi nới, hình thành nên các “khu ổ chuột” trong tương lai.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây Bộ Xây dựng đã có thông tin chính thức khẳng định việc quy định cho phép xây dựng căn hộ có diện tích vừa và nhỏ (tối thiểu 25m2) không phải là nguyên nhân hình thành các khu nhà ở chất lượng kém. Thực tiễn, khi bàn đến chất lượng nhà ở phải đặt trong các yếu tố cơ bản, như: chất lượng xây dựng, chất lượng hoàn thiện, hệ thống trang thiết bị, điều kiện hạ tầng, dịch vụ quản lý vận hành…chứ không đơn thuần chỉ đánh giá riêng về diện tích.
  Ở các nước Mỹ, Nhật, Hồng Kong…vẫn cho phép các căn hộ “ốc sên” diện tích dưới 10m2.
Cũng theo Bộ xây dựng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế của các nước trên thế giới như Pháp, Hàn quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia...đều cho phép xây dựng căn hộ chung cư có diện tích nhỏ (Hàn quốc: 14m2; Pháp: 15m2; Thái Lan: 15-20m2). Như vậy việc quy định cho phép xây dựng căn hộ chung cư có diện tích tối thiểu 25 m2 là phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc quy định diện tích căn hộ tối thiểu 25m2 (để có thể bố trí chỗ ở cho 1-3 người) vì thế phù hợp với nhu cầu của thị trường, đặc biệt là các đối tượng thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân lao động tại các khu công nghiệp.

“Theo kết quả điều tra về dân số và nhà ở cho thấy số hộ gia đình tại khu vực đô thị có diện tích nhà ở tối thiểu dưới 5m2/người là tương đối lớn (khoảng 4,8%). Từ đó, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu đến năm 2015 đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 6m2 sàn/người; đến năm 2020 đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 8m2 sàn/người” – Bộ Xây dựng dẫn chứng.
 Bộ Xây dựng khẳng định việc cho phép xây dựng căn hộ có diện tích vừa và nhỏ không phải là nguyên nhân hình thành các khu nhà ở chất lượng kém.
Nêu tiêu chuẩn diện tích tối thiểu đối với căn hộ chung cư nhà ở xã hội quy định tại Điều 7 Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là 25m2, Bộ Xây dựng cho rằng, bên cạnh các cơ chế khuyến khích phát triển nhà ở xã hội thì việc cho phép xây dựng căn hộ thương mại có diện tích tối thiểu 25 m2 cũng là một giải pháp quan trọng để góp phần thúc đẩy phát triển nhà ở giá thấp cho các đối tượng gặp khó khăn về nhà ở theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.

Đánh giá về quyết định của Bộ xây dựng về căn hộ có diện tích tối thiểu 25m2, các chuyên gia quy hoạch đều có chung quan điểm diện tích không phải phản ánh tất cả các vấn đề của đời sống xã hội, mà nó chỉ là một cơ hội để làm đa dạng loại hình cư trú cũng như nhu cầu cho người dân thôi. Nếu tiếp cận ở góc độ này thì sẽ nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, bài học nhãn tiền từ các “chuồng cọp” trên cao, cơi nới phá quy hoạch được xây dựng từ khoảng những năm 1960 đến nay cũng cần phải nhìn nhận đa chiều khi triển khai. Mấu chốt cần khơi thông là ở khu vực nào thì nên xây để ở? khu vực nào chỉ nên xây dựng để cho thuê? xây xen kẽ giữa các diện tích hay đơn thuần chỉ một loại diện tích (25m2)…phải được quy định rõ ràng.