Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ Xây dựng nói gì về quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Xây dựng đề xuất phương án bỏ quy định yêu cầu bắt buộc chủ đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) trong Luật Nhà ở năm 2014.

Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời ý kiến của cử tri sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV liên quan đến việc dành quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để xây dựng NƠXH.

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay Bộ là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì để nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, trong đó có nội dung về quỹ đất phát triển loại hình nhà ở này.

Theo đó, Bộ Xây dựng đề xuất phương án bỏ quy định yêu cầu bắt buộc chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất để đầu tư xây dựng NƠXH. Thay vào đó, Bộ yêu cầu bổ sung quy định việc bố trí quỹ đất phát triển NƠXH là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh.

Các dự án NƠXH cần tập trung vào một khu vực riêng, không nên phân mảnh trong dự án nhà ở thương mại.
Các dự án NƠXH cần tập trung vào một khu vực riêng, không nên phân mảnh trong dự án nhà ở thương mại.

Cụ thể, UBND cấp tỉnh căn cứ vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương trong từng thời kỳ phải bố trí quỹ đất dành để phát triển NƠXH. Bên cạnh đó, những kiến nghị liên quan đến mô hình dự án NƠXH tập trung (dự án NƠXH độc lập, quy mô lớn) sẽ được tiếp tục nghiên cứu, đề xuất trong quá trình Dự thảo Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Liên quan đến quy định yêu cầu chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất để xây dựng NƠXH, nhiều chuyên gia cho rằng đây là vấn đề hết sức nan giải, vì hiện nay đang tồn tại song song 2 quy định liên quan đến vấn đề này. Theo đó, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị được phép nộp tiền để hoán đổi phần diện tích 20%, thay vì phải giữ lại để xây dựng NƠXH dẫn đến việc phân khúc sản phẩm này đang thiếu hụt trầm trọng.

Ngoài ra, việc sử dụng 20% diện tích để xây dựng NƠXH trong các dự án nhà ở thương mại sẽ làm cho sản phẩm bị phân mảnh. Trong cùng một dự án có hai loại hình chất lượng khác nhau (nhà ở xã hội và nhà ở cao cấp) cũng gây bất lợi cho người sống ở nhà ở xã hội vì dễ dẫn đến cảm giác bị phân biệt đối xử.

“Nhu cầu của người giàu và người nghèo khác nhau, nên nếu áp đặt chung vào một khu thì cũng sẽ dẫn đến sự bất hợp lý. Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư nếu có thực hiện cũng theo hình thức đối phó, phần diện tích thương mại thì được triển khai xây dựng nhanh để bán lấy lời,còn phần diện tích NƠXH để kéo dài chậm triển khai. Vì vậy, các địa phương cần phải thực hiện một cách nghiêm túc số tiền hoán đổi từ diện tích 20% đó chỉ để dùng xây dựng NƠXH tại một khu vực khác để đảm bảo tính đồng bộ, tập trung” – KTS Nguyễn Văn Thanh, Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nói.

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, dự án NƠXH nên là đầu tư công, do Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Thực tế, quá trình điều tiết thị trường NƠXH chủ yếu thông qua các doanh nghiệp với cơ chế chính sách hỗ trợ như hiện nay không hiệu quả. Hệ quả là khó có nhà ở giá thấp, Nhà nước thiếu chủ động trong quản lý, điều tiết NƠXH để ổn định an sinh. Đồng thời, việc phát triển quỹ sản phẩm phục vụ nhu cầu của Nhân dân cũng rất hạn chế, bởi vậy việc bỏ quy định dành 20% quỹ đất dự án nhà ở thương mại để xây dựng NƠXH là phù hợp với tình hình hiện nay.