70 năm giải phóng Thủ đô

Bộ Xây dựng tập trung tháo gỡ khó khăn cho dự án xây dựng

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh, Bộ Xây dựng luôn chia sẻ, lắng nghe, tiếp thu, phân tích khoa học các vấn đề, cũng như làm rõ thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương để cùng nhau tháo gỡ sớm nhất những khó khăn, vướng mắc tại những dự án xây dựng.

Doanh nghiệp lao đao

Bước sang năm 2022, những tưởng cơn bão giá của thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) được kiểm soát, nhưng thực tế, giá bán các loại VLXD không những không dừng lại mà còn có dấu hiệu tăng cao hơn so với thời điểm cuối năm 2021. Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, giá thép xây dựng trên cả nước đã tăng mạnh (từ 600 - 1.200 đồng/kg) trong quý I/2022 so với cuối năm 2021; đến đầu quý II/2022 giá thép lần lượt tăng so với giá tại thời điểm quý I/2022 là 7,5%.

Nếu so với thời điểm đầu năm 2021 đến nay đã tăng từ 20 - 60%; giá xi măng từ mức giá 1.400 đồng/kg (thời điểm quý IV/2020) đến nay là 1.980 đồng/kg (chưa kể VAT); giá nhựa đường là 11.000 đồng/kg ở thời điểm cuối 2020 đến nay là 15.500 đồng/kg… khiến cho các DN xây dựng “lao đao” vì nguy cơ thua lỗ.

Bộ Xây dựng tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các dự án xây dựng. (Ảnh minh họa).
Bộ Xây dựng tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các dự án xây dựng. (Ảnh minh họa).

Theo đánh giá, hầu hết DN đều không đạt kế hoạch đề ra, những DN xây dựng đầu ngành chỉ đạt 28 - 40% kế hoạch cả năm về doanh thu lẫn sản lượng. Đơn cử như sản lượng của Vinaconex chỉ đạt 5.000 tỷ đồng trên 14.000 tỷ đồng, tương đương 35,7%, doanh thu đạt 3.600 tỷ đồng so với kế hoạch 11.300 tỷ đồng, tương đương 31,8%...

Một số liệu khác từ Tổng Cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), có đến trên 42% số DN xây dựng nhận định tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn; 32% số DN nhận định tình hình sản xuất kinh doanh giữ ổn định và 26% DN nhận định tình hình sản xuất kinh doanh thời điểm hiện tại thuận lợi hơn so với đầu năm.

Nhưng trên thực tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN xây dựng chưa thực sự cải thiện đáng kể, thậm chí, khó khăn hơn do ảnh hưởng bởi sự biến động của các yếu tố đầu vào như: Sử dụng lao động, chi phí sản xuất; cùng với đó là những vướng mắc về thủ tục pháp lý và thiếu vốn đầu tư...

“Ngành xây dựng về tổng thể đã có sự tăng trưởng rõ rệt từ đầu năm đến nay sau những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 vào cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tình trạng ách tắc, vướng mắc pháp lý đã khiến số dự án được triển khai trong năm 2022 vẫn chậm tiến độ, DN đang chịu nhiều thiệt thòi, nợ đọng không chỉ tồn tại 5 năm gần đây mà còn có khoản kéo dài trên 10 năm, gây không ít hệ lụy xấu” - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cho hay.

Nhiều giải pháp cụ thể

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho biết, giá vật liệu trên thị trường thời gian qua tăng hơn 30%. Trong khi đó, việc công bố giá, chỉ số giá xây dựng của hầu hết các địa phương đều có “độ trễ” hơn so với diễn biến thực tế, dẫn đến tình trạng giá một số loại vật liệu chủ yếu (thép, xi măng, cát, đá, nhựa đường) công bố tại một số địa phương chưa bám sát thực tế. Giá nhân công, máy thi công công bố tại một số địa phương có nơi chưa phản ánh đúng mức giá thị trường...

Nghị định số 10/2021/NĐ-CP đã quy định cụ thể nội dung cần thực hiện, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị liên quan khi xác định và quản lý định mức dự toán mới, định mức dự toán điều chỉnh trong quá trình lập dự toán xây dựng.

Tại Thông tư số 13/2021/TT-BXD, Bộ Xây dựng cũng đã hướng dẫn phương pháp xác định định mức dự toán mới, định mức dự toán điều chỉnh; đồng thời quy định đủ chế tài liên quan đến trách nhiệm của các chủ thể trong việc tổ chức theo dõi, thu thập số liệu, xây dựng định mức dự toán trong quá trình thi công xây dựng.

Tuy nhiên, các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư còn lúng túng, có phần thiếu kinh nghiệm trong thực hiện xác định định mức dự toán mới, định mức dự toán điều chỉnh theo phương pháp đã được hướng dẫn.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ đẩy mạnh công tác tập huấn chuyên môn để các chủ thể nắm vững những nội dung hướng dẫn xác định định mức dự toán mới, định mức dự toán điều chỉnh theo phương pháp Bộ Xây dựng ban hành giúp chủ thể chủ động áp dụng trong quá trình tham gia hoạt động xây dựng.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng tiếp tục khẩn trương xác định việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung định mức phù hợp với thực tiễn, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, cấp thiết. Vì vậy, nhà đầu tư, chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, đơn vị tư vấn cần phối hợp cung cấp thông tin về các định mức chưa phù hợp và số liệu tại dự án, công trình để Bộ Xây dựng có cơ sở nghiên cứu, rà soát và hướng dẫn kịp thời.

Đối với lĩnh vực công trình giao thông đường bộ, Bộ Xây dựng giao cho Cục Kinh tế xây dựng và cơ quan chuyên môn cùng phối hợp với cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT, UBND các địa phương trong việc tổ chức xây dựng định mức còn thiếu hoặc sửa đổi định mức chưa phù hợp. Tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát để đảm bảo thuận tiện, không chồng chéo gây vướng mắc. Trường hợp vượt thẩm quyền sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trước tình hình giá nhiên liệu xăng, dầu và một số loại vật liệu như thép tăng liên tục, nhiều lần trong một tháng, việc xác định giá công bố theo tháng là chưa đáp ứng kịp thời giá cả thị trường, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương theo dõi bám sát, tổ chức công bố giá cho các loại vật liệu khi có sự biến động;

Đối với vật liệu chuyên ngành giao thông (có yêu cầu kỹ thuật riêng) được khai thác, sản xuất hoặc phổ biến trên địa bàn địa phương mà chưa có trong danh mục công bố giá, đề nghị chủ đầu tư dự án tập hợp, báo cáo để UBND, Sở Xây dựng các địa phương tổ chức xác định và công bố.

“Bộ Xây dựng luôn luôn chia sẻ, lắng nghe, tiếp thu, phân tích khoa học các vấn đề, cũng như làm rõ thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương để cùng nhau tháo gỡ sớm nhất. Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền, lãnh đạo Bộ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương rà soát, tham mưu cho Bộ giải pháp để kịp thời tháo gỡ; Vấn đề vấn đề vượt thẩm quyền, Bộ Xây dựng tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đề xuất giải pháp tháo gỡ” - Thứ trưởng Bùi Hồng Minh nhấn mạnh.