Theo báo chí đưa tin, ngày 17/11, BV Phụ nữ TP Đà Nẵng thực hiện mổ lấy thai bằng phương pháp gây tê tủy sống cho sản phụ V.Y.N.S. và sản phụ N.T.H. Sau đó, sản phụ S. đã tử vong cùng ngày; còn sản phụ H. (có thai lần 3) rơi vào tình trạng nguy kịch.
Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em trước tiên yêu cầu BV Phụ nữ TP Đà Nẵng và các đơn vị liên quan tập trung nguồn lực, nhân lực hỗ trợ và chăm sóc điều trị tốt nhất cho sản phụ H. Đồng thời, BV Phụ nữ thành lập Hội đồng chuyên môn theo quy định của Luật Khám chữa bệnh đánh giá về quá trình tiếp đón, theo dõi, chăm sóc và xử trí đối với hai trường hợp sản phụ nêu trên. Nếu BV Phụ nữ TP Đà Nẵng không đủ điều kiện thành lập Hội đồng chuyên môn, Sở Y tế Đà Nẵng thành lập Hội đồng chuyên môn. Sau khi có kết luận của Hội đồng chuyên môn thì thông báo tới gia đình sản phụ và cơ quan truyền thông.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế yêu cầu xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân nếu có sai phạm về chuyên môn, tinh thần, thái độ phục vụ và đạo đức nghề nghiệp theo quy định hiện hành. Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh cung cấp dịch vụ sản phụ khoa và sơ sinh nghiêm túc thực hiện công văn số 5069/BYT-BM-TE ngày 29/8/2019 về sử dụng phương pháp vô cảm gây tê vùng trong mổ lấy thai.
Trường hợp có nghi ngờ liên quan đến thuốc sử dụng trong quá trình điều trị cho các sản phụ cần chỉ đạo đơn vị lập báo cáo phản ứng có hại của thuốc theo hướng dẫn tại Quyết định số 1088/QĐ-BYT ngày 4/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế, khẩn trương gửi về Trung tâm DI&ADR Quốc gia, đồng gửi Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em.
Trước đó, Sở Y tế TP Đà Nẵng đã lập đoàn kiểm tra, giám sát, mời các chuyên gia gây mê BV Đà Nẵng, BV Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, Trung tâm Kiểm nghiệm cùng các phòng chức năng của Sở đến làm việc.
Qua kiểm tra, việc tiếp nhận, khám và mổ cho sản phụ đều đúng quy trình, quy định. Lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng cho biết thêm, đoàn kiểm tra tập trung nghi vấn về thuốc gây tê nên đã cho niêm phong thuốc và lấy mẫu gửi ra Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư.
Theo tìm hiểu, loại thuốc tê được sử dụng trong các trường hợp trên có tên Bupivaicane wpw spinal 0,5% heavy. Thuốc này vừa được nhập về và sử dụng vào cuối tháng 10/2019.
Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) Đinh Anh Tuấn cho biết, năm 2017, Bộ Y tế đã có công văn số 3614 khuyến cáo các BV thay phương pháp gây tê tủy sống bằng phương pháp gây mê nội khí quản, để giúp các sản phụ có rau tiền đạo thể trung tâm hoặc bán trung tâm, rau bong non, tiền sản giật nặng, sản giật… sinh con, do các sản phụ này dễ gặp biến chứng, nguy hiểm tính mạng khi sử dụng phương pháp gây tê tủy sống.
Tới tháng 8/2019, Bộ Y tế tiếp tục có công văn số 4519 và 5069 khuyến cáo về phương pháp gây tê tủy sống.
Tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em cho biết, Bộ Y tế chỉ khuyến cáo chứ không cấm các bệnh viện sử dụng phương pháp gây tê tủy sống trong sinh mổ, nhằm phòng tránh các tai biến nghiêm trọng. Ví dụ: Tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng có thể xảy ra đối với sản phụ có cơ địa đặc biệt nêu trên.
Liên quan đến việc 2 sản phụ nguy kịch tại Đà Nẵng, trong đó, 1 sản phụ đã tử vong sau khi gây tê tủy sống, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em cho hay: “Nếu sản phụ tử vong do gây tê, thì cần xác định sản phụ tử vong do sai phương pháp kỹ thuật hay do ngộ độc thuốc, là thuốc tê, hay thuốc hỗ trợ, hay dịch truyền? Sản phụ có sốc phản vệ hay không? Cần có các nhà khoa học xác định chính xác nguyên nhân vụ việc”.