Bộ Y tế “lên tiếng” về việc người bệnh bị hoại tử xương hàm do Covid-19

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 14/7, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có Công văn số 877/KCB-NV gửi Bệnh viện (BV) Răng hàm mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh; BV Chợ Rẫy về việc báo cáo tình hình người bệnh hoại tử xương hàm.

Trong thời gian gần đây, trên một số phương tiện truyền thông đưa tin BV Răng hàm mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh và BV Chợ Rẫy tiếp nhận khám và điều trị một số người bệnh bị hoại tử xương hàm mặt có liên quan tới bệnh lý Covid-19.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc BV khẩn trương báo cáo nhanh tình hình người bệnh đến khám, điều trị, kết quả điều trị bệnh hoại tử xương hàm từ tháng 2/2022 đến nay cho Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám chữa bệnh) trước ngày 16/7/2022.

BV khẩn trương chỉ đạo thành lập Hội đồng chuyên môn để xem xét, xác định nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố liên quan đến bệnh lý trên.

BV cần tiếp tục quan tâm tổ chức đón tiếp khám, điều trị chu đáo, tận tình với người bệnh. Đồng thời có các thông tin chính xác dựa trên cơ sở khoa học và đề xuất có các biện pháp để người dân chủ động đề phòng, tránh làm hoang mang bất ổn trong xã hội.

Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia y tế đều khẳng định, hiện chưa có bằng chứng nào để chứng minh những ca bệnh hoại tử xương hàm gần đây là do Covid-19 gây ra. Việc có hay không bệnh nhân bị hoại tử xương hàm có liên quan đến Covid-19 mới chỉ là suy đoán ban đầu, dựa trên các yếu tố lâm sàng, còn kết quả cuối cùng đang được "giải mã”.

Tại Hà Nội, nhiều BV chuyên khoa răng hàm mặt, tai mũi họng như BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BV Tai - Mũi-Họng Trung ương, BV Răng-Hàm-Mặt Trung ương, Hà Nội cho biết, chưa ghi nhận bệnh nhân bị hoại tử xương hàm sau mắc Covid-19 đến thăm khám.

Tình trạng hoại tử xương hàm mặt có thể gặp ở bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, dùng corticoid thời gian dài… khi nhiễm vi khuẩn, nấm có thể dẫn đến viêm xương, gây hoại tử. Trước đây, khi chưa có thuốc tốt, bệnh nhân đến viện muộn, tình trạng này gặp khá nhiều xong hiện nay rất ít gặp. Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý là bệnh Covid-19 cũng có thể gây suy giảm miễn dịch.

Cho đến nay, trên thế giới cũng chưa nghiên cứu được đầy đủ có phải do Covid-19 hay không. Tất cả hiện mới chỉ là giả thiết. Về lý thuyết, bệnh Covid-19 gây rối loạn miễn dịch của cơ thể. Với bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch nặng, sau khi mắc Covid-19 họ có thể nhiễm vi khuẩn hoặc nấm cơ hội, dẫn đến tình trạng sức khỏe diễn biến nặng hơn. Tắc mạch sau mắc Covid-19 gây hoại tử xương cũng là giả thiết đáng lưu tâm.

Theo chuyên gia, các vấn đề sức khỏe gặp phải sau mắc Covid-19 rất đa dạng. Nhiều bệnh lý còn chưa được nghiên cứu đầy đủ, nên cơ chế bệnh sinh của chúng đa số mới chỉ là những giả thiết khoa học. Vì thế, cần phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa thì mới có thể hiểu được mối liên quan giữa việc mắc Covid-19 với những bệnh lý này. Triệu chứng của bệnh là sưng đau vùng má, đau buốt răng, chảy mủ hôi, giống dấu hiệu của viêm xoang do răng nên dễ chẩn đoán nhầm. Dù hoại tử xương là biến chứng hậu Covid-19 nguy hiểm nhưng tỷ lệ xảy ra rất thấp. Vì thế, người dân không nên quá lo lắng, tự đi chụp MRI, CT để kiểm tra, mà cần lắng nghe cơ thể mình.

Các chuyên gia khuyến cáo, nếu bệnh nhân sau mắc Covid-19 có dấu hiệu như đau dai dẳng ở các xương lớn, đột ngột không thể ngồi bắt chéo chân, thay đổi dáng đi (khập khiễng), đặc biệt ở những người từng là F0 nặng và sử dụng thuốc có thành phần corticoid điều trị trong thời gian dài nên đi khám để được can thiệp sớm.