Bộ Y tế mở rộng thời gian kê đơn lên 90 ngày: người bệnh giảm chi phí, đi lại
Kinhtedothi - Mới đây, Bộ Y tế ban hành Thông tư 26/2025/TT-BYT quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú, cho phép bác sĩ được kê đơn thuốc tối đa 90 ngày đối với một số bệnh mạn tính.
Đây là một thay đổi mang tính bước ngoặt, giúp người bệnh bớt gánh nặng đi lại, giảm chi phí và được điều trị ổn định, liên tục hơn. Nhưng bên cạnh đó, chính sách mới cũng đặt ra yêu cầu cao hơn trong quản lý chuyên môn, giám sát chất lượng và ý thức tuân thủ của người bệnh.
Giảm tải bệnh viện, thuận lợi cho người bệnh
TS Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (KCB), Bộ Y tế cho biết, việc ban hành quy định cho phép kê đơn tối đa đến 90 ngày trong điều trị ngoại trú là kết quả của quá trình nghiên cứu, tổng hợp từ thực tiễn điều trị lâu dài, nhất là sau giai đoạn đại dịch Covid-19.
Trong thời gian đó, nhiều cơ sở KCB trên cả nước đã phản ánh và đề xuất Bộ Y tế xem xét cho phép kê đơn dài ngày đối với một số bệnh mạn tính, nhằm giảm tần suất người bệnh phải quay lại bệnh viện (BV), đồng thời đảm bảo điều trị liên tục, hiệu quả và an toàn. Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã có ý kiến đề nghị xem xét điều chỉnh quy định này để phù hợp hơn với nhu cầu thực tiễn, cũng như giảm chi phí và thủ tục cho người bệnh.

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư khám, tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Theo Thông tư số 52/2017/TT-BYT, số lượng thuốc được kê đơn tối đa là 30 ngày, nếu không có hướng dẫn cụ thể khác trong các tài liệu chuyên môn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều phác đồ điều trị hoặc tài liệu như hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, dược thư quốc gia hoặc tờ hướng dẫn sử dụng thuốc không quy định rõ về số ngày sử dụng thuốc. Điều này khiến người kê đơn không có căn cứ chuyên môn để kê thuốc dài ngày, ngay cả trong các trường hợp người bệnh có nhu cầu và phù hợp về lâm sàng.
Với Thông tư số 26/2025/TT-BYT, Bộ Y tế đã ban hành Danh mục bệnh, nhóm bệnh được phép kê đơn thuốc ngoại trú lên đến 90 ngày, trong trường hợp các tài liệu chuyên môn không nêu rõ thời gian sử dụng thuốc.
Danh mục này chủ yếu gồm các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, loét dạ dày tá tràng và một số bệnh huyết học đặc thù như Thalassemia, thiếu máu tan máu bẩm sinh và mắc phải – những bệnh lý cần điều trị kéo dài tại các BV chuyên khoa tuyến trên.
Quy định này là bước điều chỉnh kịp thời, phù hợp với xu thế gia tăng bệnh mạn tính hiện nay, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo – nơi việc tiếp cận dịch vụ y tế chuyên sâu còn gặp nhiều khó khăn.
Theo TS Vương Ánh Dương, trước đây, người bệnh mạn tính phải đến BV mỗi tháng để lấy đơn. Việc phải đến BV mỗi tháng để lấy đơn thuốc, dù bệnh đã ổn định, thực sự gây ra nhiều phiền toái và gánh nặng không nhỏ cho người bệnh và gia đình. Họ phải mất thời gian đi lại, thậm chí phải nghỉ làm, nghỉ học.
Với những người sống xa trung tâm, chi phí đi lại có khi còn cao hơn cả chi phí thuốc men. Không chỉ vậy, việc quá tải BV cũng gia tăng do người bệnh phải quay lại thường xuyên dù không cần can thiệp y tế mới.
“Thông tư mới với quy định kê đơn tối đa 90 ngày có ý nghĩa rất lớn trên nhiều khía cạnh. Đối với hệ thống y tế, giảm tần suất người bệnh quay lại khám giúp giảm tải đáng kể cho các cơ sở y tế, nhất là các BV tuyến tỉnh, tuyến T.Ư – nơi đang đảm nhiệm điều trị nhiều ca bệnh mạn tính phức tạp. Với người bệnh, đây là thay đổi có tính nhân văn và thực tiễn sâu sắc, giúp họ tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí đi lại, đồng thời đảm bảo điều trị được liên tục, không bị gián đoạn. Quy định này không áp dụng đại trà, bác sĩ phải đánh giá đầy đủ tình trạng lâm sàng, tiên lượng ổn định mới được kê đơn kéo dài” - TS Vương Ánh Dương nhấn mạnh.
Kiểm soát ủi ro
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc kê đơn dài ngày cũng đặt ra một số lo ngại như người bệnh tích trữ thuốc, bảo quản không đúng cách, hoặc dùng sai thuốc. Để kiểm soát những rủi ro này, trước khi ban hành quy định kê đơn dài ngày, Bộ Y tế đã cùng các hội đồng chuyên môn, các BV tuyến cuối và đơn vị liên quan phân tích kỹ các mặt lợi – hại của chính sách.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý KCB thông tin thêm: “Chúng tôi cũng đã lấy ý kiến góp ý bằng văn bản và thông qua nhiều hội nghị, hội thảo để xây dựng danh mục bệnh phù hợp. Các BV đầu ngành được giao đề xuất bệnh, nhóm bệnh cần áp dụng kê đơn dài ngày cũng phải cân nhắc kỹ nguy cơ và lợi ích cụ thể theo từng trường hợp”.
Bộ Y tế đã đưa ra một số rủi ro cần kiểm soát như: người bệnh không bảo đảm điều kiện bảo quản thuốc; không được theo dõi sát tác dụng không mong muốn. Bệnh tiến triển cần điều chỉnh phác đồ nhưng chưa kịp đánh giá lại; hoặc người bệnh mất, không sử dụng hết thuốc gây lãng phí… Những yếu tố này đã được tính đến trong quá trình xây dựng chính sách.

Về mặt thực thi, quy định này không áp dụng đại trà, mà bác sĩ phải đánh giá đầy đủ tình trạng lâm sàng, tiên lượng ổn định mới được kê đơn kéo dài. Đồng thời, người bệnh và gia đình cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong tuân thủ điều trị, bảo quản thuốc đúng cách và theo dõi các dấu hiệu bất thường để kịp thời tái khám khi cần.
Cũng theo Bộ Y tế, một số cơ sở y tế tuyến cơ sở, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, có thể gặp thách thức trong việc đảm bảo cung ứng đủ thuốc khi số lượng thuốc kê mỗi lần tăng gấp ba so với trước đây. Ngoài ra, một số loại thuốc chuyên khoa có thể chưa phổ biến hoặc thiếu tại địa phương ở một số thời điểm nhất định.
Tuy nhiên, danh mục bệnh áp dụng kê đơn 90 ngày chủ yếu là các bệnh mạn tính phổ biến, với nhiều biệt dược, hoạt chất thay thế tương đương nhau. Các bệnh hiếm, phức tạp – như ung thư hay bệnh huyết học đặc biệt – vẫn chủ yếu điều trị tại tuyến T.Ư, nên không gây áp lực quá lớn cho tuyến dưới.
“Bộ Y tế sẽ tiếp tục ban hành các hướng dẫn chuyên môn cụ thể, đồng thời hỗ trợ các địa phương trong việc nâng cấp phần mềm quản lý đơn thuốc, cải tiến quy trình kê đơn, đồng bộ hệ thống giám sát để theo dõi hiệu quả thực hiện. Chúng tôi cũng khuyến khích các đơn vị chủ động rà soát, dự trù cơ số thuốc hợp lý theo thực tế kê đơn, nhằm đảm bảo người bệnh được cấp phát đầy đủ, không bị gián đoạn trong điều trị” - Phó Cục trưởng Cục Quản lý KCB nêu rõ.

Bộ Y tế quy định 5 điểm mới về kê đơn thuốc
Kinhtedothi - Thông tư số 26/2025/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có 5 điểm mới.
Ngăn tiêu cực trong kê đơn thuốc
Kinhtedothi - Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú.

Thuốc không kê đơn giúp chăm sóc da hiệu quả
Kinhtedothi - Các chế độ chăm sóc da tốt nhất để chống lại các dấu hiệu lão hóa chủ yếu, bao gồm da không đều màu, nếp nhăn, thô ráp và khô, có thể bắt đầu ngay ở nhà.