Bộ Y tế sắp thí điểm “Đặt lịch khám, chữa bệnh trực tuyến”

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (KCB) được Bộ Y tế giao là đơn vị đầu mối xây dựng Đề án “Đặt lịch KCB trực tuyến” với mục tiêu người bệnh và người nhà người bệnh không mất thời gian chờ đợi lâu, tiết kiệm thời gian để làm việc khác, tăng hiệu quả kinh tế xã hội.

Hiện thực trạng khoa, phòng khám bệnh của các bệnh viện (BV), nhất là các BV công, được xây dựng đã lâu thường chật, hẹp, điều kiện vệ sinh, điện, nước chưa đảm bảo. Mật độ người bệnh, người nhà người bệnh tập trung đông, nhất là các buổi sáng ở các BV tuyến Trung ương tạo hình ảnh đông người, chen chúc, mất trật tự, trong khi buổi chiều thì vắng người đến khám. Bên cạnh đó, hoạt động xếp hàng KCB từ xếp sổ khám bệnh đến xếp số điện tử cần được cải tiến cho phù hợp với xu hướng phát triển và nhu cầu KCB thực tế của người dân.
Việc hẹn giờ KCB đã từng bước được một số BV triển khai nhưng chưa đồng bộ, toàn diện nên người bệnh vẫn phải đi sớm, xếp hàng nhiều khâu như chờ đăng ký khám bệnh, chờ nộp viện phí, chờ làm cận lâm sàng, chờ phát thuốc.
 Ảnh minh họa.
Tại BV Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, lượng bệnh nhân đăng ký khám đặt hẹn trước chiếm gần 30% tổng số bệnh nhân đến khám. BV Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội hiện đang miễn phí tiền khám đối với bệnh nhân đăng ký khám bệnh hẹn trước để khuyến khích nhiều bệnh nhân áp dụng hình thức này.
Do đó, việc xây dựng Đề án KCB trực tuyến sẽ giúp các BV chủ động xây dựng kế hoạch về nhân lực chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị KCB cũng như công nghệ thông tin để phục vụ người bệnh tốt hơn, bước đầu làm thay đổi toàn diện hoạt động KCB. Khu vực phòng khám bệnh sẽ được thay đổi đáng kể nhất là khu vực đăng ký khám bệnh và thanh toán viện phí.
Hoạt động đặt lịch hẹn KCB trực tuyến được sử dụng tại tất cả các cơ sở KCB. Áp dụng với tất cả các đối tượng người bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) và khám dịch vụ theo yêu cầu; giúp người bệnh hạn chế phải xếp hàng, chủ động chọn giờ và bác sỹ khám, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt và được tạm ứng trước, rút ngắn một nửa thời gian KCB so với việc đến KCB trực tiếp như hiện tại.
Thực hiện Đề án “Đặt lịch KCB trực tuyến” sẽ là tiền đề và kinh nghiệm để triển khai hiệu quả Đề án Áp dụng hồ sơ sức khỏe cá nhân trong hoạt động quản lý, KCB.
Hiện nay, yêu cầu đầu tiên đặt ra với hệ thống phần mềm này là người dân chỉ cần nhập số sổ BHYT vào hệ thống đặt lịch, lập tức hệ thống sẽ chuyển về nơi quản lý số BHYT đó nhằm đảm bảo khi đến cơ sở này, bệnh nhân sẽ biết được mấy giờ sẽ có mặt tại cơ sở đó, khám bác sĩ nào, phòng bệnh nào…
Yêu cầu thứ 2 là cần thống nhất chỉ có 1 cổng cho toàn bộ người dân truy cập (hệ thống toàn tuyến), để giải quyết tình trạng như hiện nay là hệ thống BV nào chỉ dùng được trong bệnh viện đó. Khi bệnh nhân đến viện, bác sĩ chỉ cần truy cập phần mềm quản lý hồ sơ sức khoẻ điện tử và phần mềm quản lý BV thì tất cả hồ sơ sức khoẻ của bệnh nhân (đã đăng ký KCB hẹn giờ) đã được cập nhật đầy đủ trong phần mềm này, bao gồm: Lịch sử KCB, kết quả chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, đơn thuốc, chế độ điều trị (nếu có) trước đó của bệnh nhân tại tất cả cơ sở y tế đã từng khám, điều trị.
Mục tiêu lớn nhất của hồ sơ sức khoẻ điện tử này là "một bệnh án dùng chung" cho tất cả các cơ sở KCB ở mọi tuyến. Khi bệnh nhân chọn chuyển tuyến, bác sĩ khám tại các tuyến khác đều nhận được thông tin chuyển tuyến này, bảo đảm không ngắt quãng và liên thông dữ liệu về thông tin sức khoẻ, chế độ điều trị sau mỗi lần khám, điều trị của từng bệnh nhân.
Cục Quản lý KCB đang phối hợp với các đơn vị liên quan để sớm xây dựng được phần mềm đặt lịch KCB trực tuyến dùng chung cho các BV. Trước mắt sẽ thực hiện thí điểm tại một số BV trực thuộc Bộ Y tế.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần