[Bồi đắp không gian văn hóa ven sông Hồng] Bài 2:Đánh thức nguồn lực, lợi thế

Quang Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với sự ủng hộ của Nhân dân, sự hỗ trợ từ các nguồn lực quốc tế và nhất là nỗ lực mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền TP, Hà Nội đang quyết tâm hiện thực hóa quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

Bài 1: Tạo dựng không gian văn hóa

Từ đó, chính quyền và Nhân dân Thủ đô góp phần hiện thực hóa khát vọng bao đời nay về một dòng sông không chỉ là mạch nguồn của cuộc sống mà còn đọng lại và làm dày thêm văn hóa, kết tinh và lan tỏa giá trị của Thủ đô ngàn năm văn hiến, văn minh và hiện đại.

Hoạt động vận tải giao thương trên sông Hồng đoạn qua địa phận Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Hoạt động vận tải giao thương trên sông Hồng đoạn qua địa phận Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Chạm vào mong muốn của người dân

Một buổi chiều cuối tuần tháng 9, kênh dẫn nước ra sông Hồng giáp ranh giữa xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) và phường Yên Sở (quận Hoàng Mai) có khá nhiều người đi dạo, hóng gió, câu cá. Ven theo đường cạnh trường bắn Yên Sở, có một vài nhóm người đạp xe, hay chở con ven theo đường để ra ngắm sông Hồng.

Theo khảo sát của phóng viên, dọc khu vực giáp sông Hồng ở phường Yên Sở (quận Hoàng Mai) và xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) không có nhiều điểm có thể tiếp cận mặt nước sông Hồng. Hiện nay, hầu như khu vực giáp sông cây cỏ mọc dại hoặc đang là địa điểm kinh doanh, sản xuất của một số đơn vị, DN. Nhiều nơi, chính quyền địa phương phải đặt biển báo cấm người dân, DN đổ rác thải.

Chính vì vậy, anh Tuấn Khang - Yên Sở (Hoàng Mai) chia sẻ: “Khi nghe Hà Nội có phân khu sông Hồng, quy hoạch các bãi đất ven sông thành đường, công viên, chúng tôi rất ủng hộ và mong chờ một khu đô thị xanh với các dự án cộng đồng hàm chứa đầy đủ các giá trị về vật chất và tinh thần sớm được đầu tư xây dựng để cải thiện chất lượng cuộc sống”.

Như đã phản ánh ở bài trước, cũng xuất phát từ mong muốn, với sự tham gia của người dân, từ không gian ban đầu chỉ là nơi tập kết rác, mảnh đất ven sông thuộc địa bàn phường Phúc Tân đã trở thành một không gian nghệ thuật. Có thể nói, từ một vùng đất đầy rẫy tệ nạn xã hội, nơi đây đã trở thành không gian ven sông nhân văn, giàu cảm hứng sáng tạo được tạo nên từ những nỗ lực cụ thể, từ sự đánh thức mong mỏi sống tốt hơn của người dân.

Trong một lần trở lại không gian này vào tháng 9 để ghi nhận, đời sống của người dân ven sông Hồng có những thay đổi rõ rệt. Hải Anh - một người dân ở Phúc Tân chia sẻ với phóng viên: “Sáng nào em cùng mấy chú trong xóm ra đây hóng mát, chơi chim”.

Cậu còn say sưa thuyết minh với phóng viên về việc làm thế nào để tạo ra vết hằn và màu rêu trên bức tường trong tác phẩm của Trần Hậu Yên Thế và những mong muốn để trẻ em, cư dân ở vùng đất ven sông có một không gian văn hóa, tập thể dục thể thao, du lịch ngày một khang trang, sạch sẽ, thu hút du khách.

Nhìn từ góc độ quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng có thể thấy, mong muốn của anh Tuấn Khang, Hải Anh cũng như những người dân ven sông Hồng trong tương lai có thể được hiện thực hóa.

Bởi một trong số nội dung quan trọng của quy hoạch là sẽ xây dựng các tuyến đường cảnh quan, tuyến đường dành cho người đi bộ và xe đạp trên cơ sở kế thừa nghiên cứu quy hoạch cơ bản phát triển không gian sông Hồng, hoàn chỉnh toàn tuyến đi qua TP Hà Nội phù hợp với các luật và định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Và thời gian qua, với sự tham gia, nỗ lực của chính quyền, người dân, đã thêm nhiều không gian văn hóa ven sông Hồng. Hay như Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long nhiều lần chia sẻ rằng việc thực hiện dự án không chỉ có chính quyền, nghệ sĩ tham gia mà chính người dân cũng nhiệt tình ủng hộ.

Đến nay, quận Hoàn Kiếm đã có chủ trương tiếp tục đầu tư cho không gian văn hóa ven sông. Theo ý tưởng "biến" bãi bồi, bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hóa, du lịch của Hà Nội đã được đề cử giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2022.

Khu vực bãi giữa sẽ tổ chức các khu chức năng không gian cảnh quan nông nghiệp du lịch, khu chức năng không gian sáng tạo, sân chơi, thảm cỏ xen kẽ với các cây lâu năm hiện có; khu chức năng không gian vui chơi, tập thể thao (như sân trượt cỏ) cơ bản theo địa hình tự nhiên; khu chức năng câu cá, bơi lặn, tham quan mặt nước sông Hồng.

Khu vực bãi bồi ven sông sẽ tổ chức các khu chức năng không gian công viên cây xanh (cơ bản giữ lại các cây lớn hiện có), khu chức năng trồng cây cảnh, cây hoa theo mùa kết hợp phục vụ khách du lịch, kết hợp tổ chức khu dịch vụ, không gian nghệ thuật cộng đồng, không gian sáng tạo.

Cụ thể hóa tiềm năng phát triển

Sông Hồng là nơi diễn ra nhiều lễ hội lớn như: Lễ hội đèn Quảng Chiếu; lễ hội âm nhạc mùa Thu; lễ hội đền Bạch Mã và nghi lễ rước nước từ sông Hồng như: Lễ hội đền Và, đình Chèm, đình Tứ Liên, đình Đức Thắng. Cùng các giá trị văn hóa phi vật thể, bên bờ sông Hồng còn xuất hiện nhiều làng nghề truyền thống từ hàng trăm năm nay như: Làng giấy Yên Thái, làng đào Nhật Tân (Tây Hồ), làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm). Ngược lên phía trên, làng Nhật Tân nổi tiếng với những sắc đào tươi thắm.

Với những lợi thế trên và việc Hà Nội tham gia vào mạng lưới các TP sáng tạo, giúp việc phát triển các không gian văn hóa, công nghiệp sáng tạo ở khu vực bãi đất và ven sông Hồng trở nên thuận lợi.

Cụ thể, theo Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/2/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, một trong những ưu tiên từ nay đến 2045 là ưu tiên bố trí quỹ đất theo quy hoạch phân khu 2 bên bờ sông Hồng và các khu vực phát triển đô thị, các đô thị vệ tinh để xây dựng các công trình văn hóa, du lịch.

Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm: Đánh thức những nguồn lực và lợi thế của sông Hồng, quy hoạch sẽ khai thác toàn diện hệ sinh thái tiềm năng tại khu vực này, phù hợp với điều kiện thực tiễn cũng như xu hướng phát triển đô thị hiện nay.

Theo đó, từ cầu Hồng Hà tới cầu Thăng Long được quy hoạch trở thành một không gian sinh thái, bảo tồn đặc tính tự nhiên của phần đất bãi và đất nông nghiệp của các huyện xung quanh như: Mê Linh, Đông Anh, Đan Phượng và Bắc Từ Liêm. Khu vực này được xác định sẽ trở thành công viên chuyên đề với mô hình trang trại sinh thái và nông nghiệp đô thị phục vụ du lịch, thương mại và vận chuyển hàng hóa.

Ngoài ra, khu vực trung tâm phân khu đô thị sông Hồng từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì được phát triển theo hướng đa chức năng gồm các công trình văn hóa, thương mại dịch vụ và các không gian cảnh quan thúc đẩy tiện nghi giải trí của đô thị ở khu vực bãi giữa, trục không gian lịch sử liên kết khu vực Hồ Tây - Cổ Loa.

Từ cầu Thanh Trì đến cầu Mễ Sở là không gian sinh thái trọng tâm với các khu vực nông nghiệp trồng rau màu, cây cảnh, các khu vực nuôi trồng thủy sản cùng các làng nông nghiệp truyền thống và các công trình di tích lịch sử.

TP định hướng bảo tồn, khôi phục các giá trị tự nhiên và văn hóa phục vụ du lịch, phát triển các khu vực đa chức năng gắn với các hoạt động thương mại, dịch vụ, vận chuyển, làng nghề Bát Tràng.

Như vậy, việc bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử khu vực sông Hồng được TP đặc biệt quan tâm khi thực hiện quy hoạch, đồng thời phát huy các giá trị đó theo hướng hình thành trục không gian văn hóa mới, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.

 

"Sự phát triển của các không gian sáng tạo ở khu vực sông Hồng sẽ có những đóng góp quan trọng đối với Thủ đô, làm nên diện mạo mới về văn hóa Hà Nội, để nơi đây thực sự xứng đáng với vị trí trung tâm văn hóa lớn nhất của cả nước, biểu tượng cho những giá trị cao đẹp của con người và đất nước Việt Nam." - PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

"Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt không chỉ đáp ứng nguyện vọng của hàng chục vạn cư dân đang sinh sống tại vùng bãi sông Hồng mà còn là mong mỏi của toàn thể Nhân dân Thủ đô. Quy hoạch phân khu này hoàn thành sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình điều chỉnh quy chung xây dựng Thủ đô mà TP đang thực hiện nhằm sớm đưa Thủ đô phát triển đồng bộ, văn minh, hiện đại, bền vững." - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam KTS Phạm Thanh Tùng

(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần