Tuy nhiên, rất nhiều phụ huynh, tổ trưởng dân phố, quản lý các cơ quan... bối rối vì giấy khen của mỗi cháu ghi một kiểu, nhưng kết cục không biết học lực của con loại gì.
Thế nào là giỏi?Nhiều phụ huynh có con học tiểu học ở Hà Nội đã không khỏi bối rối với nội dung ghi trong giấy khen khi khen từng môn như Toán, Tiếng Việt, Khoa học... thậm chí là sự khen chung chung: Phấn đấu vượt trội trong rèn luyện. Nhiều HS thi môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh đều đạt điểm 9, điểm 10 và hoàn thành các môn Mỹ thuật, Đạo đức, Tin học... nhưng cũng chỉ được khen từng môn, từng mặt. Thế nên, cả HS và phụ huynh đều băn khoăn không biết như vậy có đạt danh hiệu HS giỏi hay không?Mỗi loại giấy khen ghi thành tích khác nhau làm nhiều phụ huynh bối rối. Ảnh: Trung Quý |
Khi phóng viên tham khảo ở một số trường tiểu học thì thấy, giấy khen không chỉ khen HS tiến bộ từng môn mà còn có thể ghi rất nhiều môn như: “Con hoàn thành tốt các môn về Mỹ thuật và Đạo đức”, “Con có thành tích vượt trội về môn Toán, Lịch sử, Địa lý, Tin học, Mỹ thuật”... Phụ huynh nhìn thế lại càng băn khoăn không biết những môn học còn lại của con có được đánh giá tốt không. Chị Nguyễn Thị Ngát, có 2 con đang học tiểu học ở quận Đống Đa chia sẻ: “Giấy khen của cháu lớn học lớp 5 ghi là hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện. Còn cháu bé, giấy khen ghi là có thành tích vượt trội Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tin học. Trong giấy khen tôi thấy ghi vượt trội có cả môn Tiếng Anh mà cháu được 8 điểm. Tôi không biết con xếp vào loại giỏi hay khá. Theo giáo viên giải thích thì mức một các môn đều 9, 10 điểm được HS xuất sắc. Bạn nào có môn dưới 9 điểm là được ở mức hai”.
Loay hoay khen thưởngÔng Mai Thế Tự - Tổ trưởng Tổ dân phố 16 (phường Kim Liên, quận Đống Đa) cho biết đã phải mất cả buổi để lọc, phân định xem cháu nào đạt danh hiệu tiên tiến, cháu nào giỏi. “Mấy năm trước thì không mất thời gian vì giấy khen của các cháu ghi rất rõ tiên tiến, giỏi, nhưng giờ chẳng biết đâu mà lần, giấy thì ghi: “Hoàn thành tốt các môn học”, “Đạt thành tích vượt trội môn Toán, Tiếng Việt”, “Có ý thức trong học tập”... Do vậy, chúng tôi đành chia 2 mức: Những giấy khen được ghi hoàn thành xuất sắc là cao nhất, còn lại hoàn thành môn này, mặt kia là mức 2, để có mức khen thưởng hợp lý” – ông Tự chia sẻ.Thực tế, cách đánh giá hiện nay là theo Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT. HS được khen Hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện là kết quả đánh giá các môn học đạt Hoàn thành tốt, các năng lực, phẩm chất đạt Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên. HS được khen là có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc thì phải đạt được ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất mà được giáo viên giới thiệu và tập thể lớp công nhận. Với cách đánh giá này, hầu như HS nào cũng được khen cuối năm học.Lý giải về băn khoăn của phụ huynh, bà Phạm Thị Tâm – Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Lợi (quận Hà Đông) cho biết, phụ huynh chưa hiểu về cách đánh giá mới mà Bộ GD&ĐT quy định, hơn nữa vẫn không ít phụ huynh theo tiềm thức: con phải đạt HS giỏi, tiên tiến bằng mọi cách. “Với tư tưởng này phụ huynh sẽ vô tình gây áp lực cho con. Với HS thông minh, giỏi thực sự không sao, ngược lại, những HS không có tố chất này sẽ là phản ứng ngược, khiến con sợ học, tự ti với các bạn” – bà Tâm khẳng định.Theo các nhà quản lý bậc tiểu học, cách đánh giá theo Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT rất phù hợp, bởi những em chưa thực sự giỏi Toán, Tiếng Việt, nhưng lại có mặt mạnh về hoạt động phong trào, cuối năm được cô khen, HS rất phấn khởi và không tự ti với các bạn có thành tích tốt hơn. |