Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ cũng quy định, DN phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ. Một trong những điều kiện được chào bán trái phiếu DN (TPDN) là có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định này.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Việc cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc cần phải siết lại các quy định về phát hành TPDN, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư.
Theo đó, kết quả điều tra xác định, trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên gồm: Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Như vậy, hơn chục nghìn tỷ đồng trái phiếu phát hành sai quy định, gian dối, che giấu thông tin đã được nhà đầu tư mua, trách nhiệm thuộc về ai?
Luật sư Hà Huy Phong (Công ty Luật Inteco) cho hay, quy định tại Điều 35, Nghị định 153/2020/NĐ-CP về trách nhiệm của tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán là “Tuân thủ quy định của pháp luật chứng khoán và Nghị định này khi cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu”. Quy định tại Điều 23, Luật chứng khoán 2019 ghi rõ, “Tổ chức tư vấn phát hành, tổ chức bảo lãnh phát hành, tổ chức kiểm toán được chấp thuận, người ký báo cáo kiểm toán và bất kỳ tổ chức, cá nhân nào xác nhận hồ sơ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi liên quan đến hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng”.
Cũng tại Nghị định 153, Điều 5 về nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu quy định: DN phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ; Mục đích phát hành trái phiếu bao gồm: Để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư; tăng quy mô vốn hoạt động; cơ cấu lại nguồn vốn của chính DN hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành. DN phải nêu cụ thể mục đích phát hành tại phương án phát hành theo quy định tại Điều 13 Nghị định này và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu. Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của DN phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư; Đối với phát hành trái phiếu xanh, ngoài các quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu phải được hạch toán, quản lý theo dõi riêng và giải ngân cho các dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án mang lại lợi ích về môi trường theo phương án phát hành đã được phê duyệt.
Điều 9 Nghị định 153 về điều kiện chào bán trái phiếu quy định cụ thể: Đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền (không bao gồm việc chào bán trái phiếu của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng), DN phải đáp ứng các điều kiện sau: Là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 3 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có); trừ trường hợp chào bán trái phiếu cho chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn. Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận theo quy định tại Điều 13 Nghị định này. Có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định này. Đối tượng tham gia đợt chào bán theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định này.
Như vậy, có thể thấy, các công ty kiểm toán độc lập đóng vai trò rất quan trọng trong việc thẩm định, lên tiếng cảnh báo, ngoại trừ theo các quy định của kiểm toán khi đánh giá một hồ sơ phát hành TPDN.
Tại công văn về tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác kiểm toán DN niêm yết mới đây, Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, có tình trạng báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng còn nhiều sai sót, kể cả một số trường hợp đã có ý kiến chấp nhận toàn phần của DN kiểm toán.
Bộ Tài chính “tuýt còi” kiểm toán độc lập
Theo Bộ Tài chính, việc kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm được thực hiện bắt buộc đối với các DN niêm yết, công ty đại chúng. Việc này nhằm giúp chuẩn hóa, minh bạch thông tin tài chính, phục vụ lợi ích của DN, các nhà đầu tư.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán đối với DN niêm yết, công ty đại chúng, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, công chúng, góp phần phát triển ổn định và lành mạnh của thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện nghiêm túc những nội dung sau:
Theo đó, Bộ giao Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán chủ trì, phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Thanh tra Bộ Tài chính tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các DN cung cấp dịch vụ kiểm toán. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm nghiêm trọng yêu cầu khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, có biện pháp chấn chỉnh để các DN kiểm toán thực hiện đúng những quy định về: Tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về kiểm toán, hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và văn bản pháp luật liên quan. Đảm bảo tính độc lập, khách quan trong quá trình kiểm toán; kiểm soát tốt đạo đức nghề nghiệp người hành nghề, nâng cao năng lực của đội ngũ kiểm toán viên hành nghề. Thực hiện nghiêm, đúng quy định quy trình kiểm toán; xác định rõ nội dung, trách nhiệm của kiểm toán viên, doanh nghiệp kiểm toán.
Bộ Tài chính giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tăng cường giám sát tình hình hoạt động, tình hình tài chính của các DN niêm yết và công ty đại chúng, kịp thời cảnh báo nhà đầu tư khi có những biến động lớn về tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của DN. Chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán và Thanh tra Bộ Tài chính có kế hoạch thanh tra, kiểm tra các DN kiểm toán đối với các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng; chú ý đối với các DN có khách hàng có báo cáo tài chính sai lệch hoặc có nhiều sai sót, dẫn đến phải sửa đổi… làm thay đổi đáng kể tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của DN.
Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm nghiêm trọng yêu cầu khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật. Rà soát, sửa đổi, bổ sung chế tài xử lý các hành vi vi phạm thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với các DN kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận kiểm toán cho các đơn vị có lợi ích công chúng trong lĩnh vực chứng khoán, đảm bảo tính răn đe.
Phản hồi về vụ việc Tân Hoàng Minh, đại diện Bộ Tài chính cho hay, những vi phạm trên thị trường chứng khoán và thị trường TPDN vừa qua là “rất đáng tiếc”. Tuy nhiên, qua đó cũng thấy được quyết tâm của cơ quan quản lý trong việc làm minh bạch đối với thị trường chứng khoán và thị trường TPDN. Những vi phạm đó không phải là phổ biến và cá nhân nào làm thì cá nhân đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bộ Tài chính sẵn sàng phối hợp với các cơ quan để xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.
Quan điểm Bộ là tuân thủ, thượng tôn pháp luật, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm pháp luật lợi dụng để thao túng thị trường chứng khoán thu lợi bất chính. Xử lý nghiêm để thị trường chứng khoán thực sự là công khai minh bạch, và là kinh huy động vốn cho phát triển kinh tế xã hội.
Bộ cũng cho biết đã nhiều lần cảnh báo những rủi ro đối với nhà đầu tư khi tham gia thị trường TPDN. Qua sự việc có thể thấy là việc DN đưa ra các báo cáo tài chính sai lệch, bên cạnh đó các cơ quan kiểm toán độc lập đã không làm tròn trách nhiệm dẫn đến những thông tin sai lệch của DN, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư.
Thêm nhiều sửa đổi chấn chỉnh thị trường TPDN
Năm 2022, những thay đổi về quy định pháp lý có thể tác động mạnh đến thị trường TPDN.
Theo đó, dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP đối với phát hành trái phiếu riêng lẻ, ngoài việc quy định chi tiết hơn về trách nhiệm công bố thông tin, hoạt động lưu ký tập trung, điều kiện đăng ký/thay đổi/hủy bỏ giao dịch… để phát triển thị trường thứ cấp, Dự thảo cũng đưa ra một số điểm sửa đổi bổ sung quan trọng, có thể tác động mạnh đến thị trường TPDN.
Cụ thể bổ sung các yêu cầu sau: DN không được phát hành trái phiếu để góp vốn dưới mọi hình thức, mua cổ phần, mua trái phiếu của DN khác, hoặc cho DN khác vay vốn. Trường hợp phát hiện DN phát hành sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu không đúng mục đích tại phương án phát hành trái phiếu hoặc cam kết với nhà đầu tư, thì nhà đầu tư yêu cầu DN phát hành trái phiếu mua lại trái phiếu trước hạn. Yêu cầu có xếp hạng tín nhiệm đối với DN phát hành trái phiếu và trái phiếu phát hành trong trường hợp phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo, không có bảo lãnh thanh toán, DN phát hành có kết quả kinh doanh của năm liền trước năm phát hành lỗ hoặc có lỗ lũy kế tính đến năm phát hành.
“Chúng tôi nhận thấy các TPDN có mục đích sử dụng là góp vốn hay không có tải sản đảm bảo/bảo lãnh thanh toán không phải là ít” - các chuyên gia SSI cho hay.
Các quy định trên nếu có hiệu lực sẽ giảm bớt đáng kể cơ hội huy động vốn trái phiếu của DN. Ngoài ra, việc siết cứng quy định về mục đích phát hành với dòng vốn trái phiếu (thường dài 3 - 5 năm) cũng có thể khiến DN phải cân nhắc lại về kênh gọi vốn này.
Các quy định mới cũng khiến vai trò của ngân hàng tiếp tục thu hẹp. Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán TPDN đã chính thức có hiệu lực từ 15/1/2022. Trong đó một số quy định siết chặt hơn, như tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu của tổ chức phát hành không có phát sinh nợ xấu trong 12 tháng gần nhất (tại tất cả TCTD); không được mua lại TPDN chưa niêm yết đã bán và/hoặc trái phiếu phát hành cùng lô/đợt với trái phiếu đã bán trong vòng 12 tháng; không được bán TPDN cho các công ty con.
Theo định hướng, các ngân hàng thương mại sẽ tập trung vào kênh tín dụng ngắn hạn, và TPDN sẽ là kênh huy động vốn vay trung và dài hạn của DN. Việc các ngân hàng thương mại cấp tín dụng cho DN thông qua đầu tư TPDN cũng sẽ hạn chế hơn.