Bốn điểm sáng, năm thách thức lớn nhất ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2021

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả kinh doanh tăng trưởng, quy mô và tỷ trọng thu nhập phí dịch vụ, phát hành bán vốn, bán công ty con cho nước ngoài là những điểm sáng của ngành ngân hàng. Trong khi những thách thức là sự cạnh tranh của ngân hàng trong các dự án chuyển đổi số, rủi ro về an ninh mạng, thông tin dữ liệu an toàn…

Top 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2021 được Công ty Cổ phần báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố gồm: Vietcombank, VietinBank, Techcombank, MB, ACB, VPbank, BIDV, TPBank, HDBank, Agribank.

 Vietnam Report chỉ ra Top 5 thách thức đối với ngành ngân hàng

Xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính. Thứ nhất là năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất. Thứ hai là uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng. Thứ ba là khảo sát các đối tượng liên quan được thực hiện trong tháng 6 năm nay.

Theo đánh giá của Vietnam Report, hoạt động của các ngân hàng 6 tháng đầu năm 2021 có nhiều điểm sáng.

Điểm sáng thứ nhất, kết quả kinh doanh tăng trưởng so với cùng kỳ. Bất chấp tác động của đại dịch, lợi nhuận của ngành ngân hàng vẫn tăng trưởng cao, có hơn chục ngân hàng ghi nhận lợi nhuận nghìn tỷ, chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu vẫn được kiểm soát tốt. Theo dữ liệu của FiinGroup, tổng thu nhập hoạt động trong quý I tăng 28,4% so với cùng kỳ. Đầu tháng 7, một số ngân hàng công bố kết quả kinh doanh với sự bứt phá mạnh mẽ, dự báo sẽ có nhiều kỷ lục mới trong bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng.

Điểm sáng thứ hai là sự ra đời của chính sách mới. Đó là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của NHNN, các bộ, ban ngành đối với sự phát triển tăng trưởng tín dụng thực chất của ngành ngân hàng và ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN về việc cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn lãi vay do ảnh hưởng dịch Covid-19. 

Điểm sáng thứ ba, nhóm ngân hàng ghi nhận những câu chuyện về phát hành bán vốn, bán công ty con cho nước ngoài. Giữa bối cảnh dịch bệnh bùng phát, mà gần như khối ngoại rút ra khỏi thị trường chứng khoán (TTCK), bán ròng rất mạnh mẽ, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhìn thấy được cơ hội trong các giao dịch tài sản của ngân hàng. Điển hình như trường hợp VPbank bán được 49% vốn của Fecredit cho tập đoàn của Nhật Bản, một kế hoạch khác trong tương lai như HDbank cũng bán mảng tín dụng cho ngân hàng nước ngoài.

Điểm sáng thứ tư, tài chính phi tín dụng tiếp tục được gia tăng. Trong bối cảnh dịch bệnh, 6 tháng đầu năm 2021, nhóm ngân hàng tiếp tục tăng mạnh quy mô và tỷ trọng thu nhập phí dịch vụ, thu nhập ngoài lãi như bảo lãnh khách hàng, bão lãnh thư tín dụng (LC), thanh toán không dùng tiền mặt, liên kết với công ty bảo hiểm để bán chéo sản phẩm (Bancassurance), chứng khoán... Điều này giúp các ngân hàng thương mại phát triển toàn diện hơn, không còn lệ thuộc vào chỉ tiêu tín dụng, đồng thời giảm thiểu rủi ro và cải thiện cơ cấu nguồn thu theo hướng bền vững.

Kết quả khảo của Vietnam Report với khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đã chỉ ra top 3 yếu tố khi lựa chọn một ngân hàng: Trong đó đứng đầu là ngân hàng có giao dịch an toàn, bảo mật cao (67,65%); thủ tục đơn giản, nhanh chóng (64,71%); phí dịch vụ (50%).

Vietnam Report cũng chỉ ra Top 5 thách thức đối với ngành ngân hàng trong năm 2021. Thứ nhất, diễn biến phức tạp của đại dịch và rủi ro gia tăng nợ xấu. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ năm 2020 đã khiến nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề, thậm chí rơi vào tình trạng phá sản. Cũng trong những tháng đầu năm, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng không quá cao nhưng nó luôn hiện hữu và tiềm ẩn và có xu hướng gia tăng.

Thứ hai, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế ở cấp độ cao hơn. Theo xu thế phát triển và hội nhập, nhóm ngân hàng cần thực hiện các chuẩn mực quốc tế cao hơn như Basel II, Basel III… nhằm nâng cao năng lực quản trị rủi ro, khẳng định vị thế, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực và thế giới, và tạo niềm tin cho khách hàng. Thống kê sơ bộ trong năm nay có khoảng 16 ngân hàng niêm yết và đăng ký giao dịch lên kế hoạch tăng vốn điều lệ. Nhóm ngân hàng tăng vốn sẽ giải quyết được nhiều vấn đề như cải thiện được hiệu quả hoạt động liên quan đến chỉ số như là tỷ lệ an toàn vốn, NIM và tăng khả năng cho vay. Tuy nhiên, việc tăng vốn cũng gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Thứ ba, sự cạnh tranh của ngân hàng trong các dự án chuyển đổi số và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ. Trong bối cảnh hội nhập và sự phát triển của công nghệ, áp lực cạnh tranh của ngành Ngân hàng ngày càng khốc liệt. Không chỉ là cuộc cạnh tranh của ngân hàng với nhau, giữa các ngân hàng với các công ty tài chính mà còn là giữa ngân hàng với fintech và bigtech, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ thanh toán và cho vay nhỏ lẻ, tiêu dùng.

Thứ tư, những nút thắt về chính sách với các mô hình kinh doanh mới. Cùng với sự phát triển của công nghệ, nhiều mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực tài chính ra đời như mô hình ngân hàng số 100%, tiền kỹ thuật số, cho vay ngang hàng… và đang cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng truyền thống. Tuy nhiên, tại Việt Nam nhiều quy định liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt, cho vay ngang hàng, dự thảo thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt... vẫn đang ở dạng dự thảo.

Cuối cùng là rủi ro về an ninh mạng, thông tin dữ liệu an toàn. Ngân hàng đóng vai trò là trụ cột của nền kinh tế và luôn dẫn đầu trong việc ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin, hầu hết các giao dịch và hoạt động tài chính được xử lý trực tuyến nên có một tỷ lệ cao số vụ tội phạm an ninh mạng liên quan đến các ngân hàng.

Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 bùng phát cũng khiến cho các ngân hàng phải đối mặt với số lượng các hoạt động gian lận tăng lên đáng kể. Ngoài ra, ngân hàng cũng gặp phải những rủi ro về đạo đức liên quan đến khách hàng và nhân viên ngân hàng.

Với loại hình ngân hàng mở được giới thiệu gần đây, khách hàng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề bảo mật, quyền riêng tư, gian lận trong lĩnh vực ngân hàng và fintech.

Kết quả khảo sát của Vietnam Report cũng chỉ ra Top 6 chiến lược ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng trong thời kỳ hậu Covid-19: Tiếp tục đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số ngân hàng, thiết kế các biện pháp khuyến khích khách hàng sử dụng nhiều hơn sản phẩm số; Đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường hoạt động; Tăng vốn điều lệ; Chuyển dịch cơ cấu hoạt động của ngân hàng; Tăng cường công tác quản trị rủi ro; Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực thích ứng với chuyển đổi số.