70 năm giải phóng Thủ đô

Bóng ma lạm phát lấn át chiến tranh tiền tệ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hai tháng sau phát ngôn gây sốc về chiến tranh tiền tệ, Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega giờ đang bận tâm với mối nguy khác, đó là khủng hoảng lương thực và năng lượng.

KTĐT - Hai tháng sau phát ngôn gây sốc về chiến tranh tiền tệ, Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega giờ đang bận tâm với mối nguy khác, đó là khủng hoảng lương thực và năng lượng.

Mới tháng trước thôi, chính phủ các nước Nam Phi cho tới Brazil vẫn còn nghĩ cách làm thế nào để giảm giá đồng tiền và tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế. Nhưng nay, chủ đề đó đang trở nên lỗi thời, thậm chí còn bị cấm kị khi mà giá lương thực đang tăng kỷ lục, dầu thô cán ngưỡng 100 USD mỗi thùng và mối nguy lạm phát ngày một lớn.

Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Nam Phi và Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia cho rằng một đồng tiền mạnh có thể giúp dẹp đà tăng giá cả. Bộ trưởng Tài chính Nga hôm 21/2 cũng tuyên bố Ngân hàng Trung ương nước này đang ưu tiên cho cơ chế tỷ giá linh hoạt.

Ngay như Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega, người từng đề cập tới nguy cơ chiến tranh tiền tệ vào tháng 9/2010 khi các nước đua nhau hạ thấp giá trị đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu, cũng bắt đầu tuyên bố "đình chiến".

Tại Peru, Trung Quốc, Colombia, Indonesia hay Nga, lãi suất đã được tăng cao kể từ tháng hai.

"Nếu những khó khăn vĩ mô chuyển từ tăng trưởng quá yếu sang lạm phát quá cao, đã đến lúc người ta nghĩ tới việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Và cách nhanh chóng nhất để kiểm soát lạm phát đó là tăng cường sức khỏe cho đồng nội tệ", ông Jens Nordvig, một giám đốc phụ trách mảng phân tích tiền tệ của hãng Nomura Holdings đặt trụ sở tại New York nói.

Bạo động tại Ai Cập, Bahrain, Libya và Tunisia đã đẩy giá mỗi thùng dầu thô vượt qua mốc 100 USD lần đầu tiên kể từ tháng 10/2008. Chỉ số giá 55 loại lương thực cơ bản đã tăng 3,5% lên mức kỷ lục 231 điểm vào tháng một, theo công bố của Tổ chức Nông lương Liên hợp Quốc.

Trong một báo cáo công bố cuối tuần qua, các chuyên gia của hãng Barclays Capital dự báo lạm phát tại các nền kinh tế mới nổi có thể tăng 6% trong năm nay trong khi mức tăng tại các nước phát triển chưa đầy 2%.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Pravin Gordhan cho rằng đồng rand (đồng nội tệ Nam Phi) đang bị định giá quá cao. Nhưng hôm 23/2, ông nói làm yếu đồng tiền nhanh quá sẽ gây áp lực với lạm phát.

Tuyên bố của ông được những người đồng nhiệm ở một số nước khác ủng hộ. Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia Hartadi Sarwono hôm 24/2 cho rằng các nhà làm chính sách nước này sẽ để đồng rupiah mạnh hơn để duy trì giá cả trong vòng kiểm soát.

Về phần mình, Brazil đã tăng lãi suất từ hôm 19/1, lần đầu tiên kể từ tháng 7/2010. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Prasarn Trairatvorakul hôm 26/1 cho biết sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất để đối phó với lạm phát.

"Các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt ở châu Á, đang đối mặt với áp lực lạm phát trong nước. Người ta có thể dễ dàng nhận ra điều này ở đà tăng giá cả và lương", ông Gabriel de Kock, trưởng bộ phận chiến lược ngoại tệ ở New York của Morgan Stanley nói. Cũng theo ông, chi phí lương thực và nhiên liệu có thể tạo ra những cú sốc lớn với toàn thế giới.

Trong báo cáo công bố hôm 4/2, ngân hàng Mỹ Morgan Stanley cho rằng giới đầu tư đang đặt cược vào khả năng ngân hàng trung ương các nước sản xuất lương thực lớn như Nga, Mexico và Malaysia sẽ tăng tỷ giá. Hãng cũng dự báo đồng ringgit của Malaysia sẽ tăng 9% trong năm nay lên mức 2,8 ringgit ăn một đôla Mỹ; trong khi đó đồng peso của Colombia sẽ tăng 11%.

Tuần trước, hãng tin Bloomberg tiến hành thăm dò ý kiến 18 chuyên gia, kết quả cho thấy nhiều người tin đồng tiền của Malaysia sẽ tăng từ mức 3,0525 ringgit ăn một đôla lên 2,96 ringgit ăn một đôla vào cuối năm nay; còn đồng peso của Colombia sẽ tăng từ mức 1.907,15 peso đổi một đôla lên 1.850 peso đổi một đôla vào quý tư năm nay.

Trên thực tế, bạo loạn tại châu Phi và Trung Đông khiến các nhà đầu tư đổ đi tìm kiếm tài sản an toàn hơn, kéo theo đó là đà giảm giá đồng tiền của hầu hết các nước mới nổi. Đồng ringgit tuần qua giảm 0,6%, peso mất 1,2%. Ngay cả đồng won của South Korea cũng giảm giá 1,3% và real của Brazil giảm 0,4%.

"Các nước đang phát triển sẽ phải kiểm soát tín dụng chặt chẽ hơn, thậm chí phải tăng lãi suất và tỷ giá để đối phó với lạm phát", Jan Loeys, trưởng bộ phận chiến lược thị trường của JPMorgan Chase ở New York nhận định.

"Dĩ nhiên, các nước này cũng lo ngại nếu họ để đồng nội tệ của mình tăng giá sẽ chẳng khác nào vẫy cờ đỏ trước mũi bò tót (ám chỉ các nhà đầu tư quốc tế). Họ vừa phải lo thắt chặt chính sách tiền tệ trong nước, nhưng lại phải dè chừng dòng vốn nóng từ nước ngoài ồ ạt đổ vào nếu đồng nội tệ được định giá cao", Jan nói thêm.

Các chuyên gia thế giới đang cảnh báo đà tăng giá năng lượng có thể làm chậm lại quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu và dấy lên nguy cơ lạm phát. Theo Deutsche Bank, thực tế hai năm qua tại Mỹ cho thấy, giá dầu cứ tăng 10 USD mỗi thùng thì tốc độ tăng trương kinh tế sẽ chậm lại 0,5 điểm phần trăm. Tuần qua, giá dầu thô tăng lên mức 112,14 USD mỗi thùng, cao nhất kể từ tháng 8/2008.

Ngân hàng Thế giới (WB) dường như không quá lo lắng với cái gọi là cú sốc giá dầu hiện nay. Theo ông Andrew Burns, Giám đốc phụ trách kinh tế toàn cầu của WB, nếu giá dầu tiếp tục tăng cao như thời gian qua, tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển có thể chậm lại khoảng 0,2-0,4 điểm phần trăm. Tuy nhiên, ông tin tác động này không lớn tới mức có thể làm cản đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Cũng theo ông, mức tăng giá dầu 15-20 USD một thùng thời gian qua là đáng lưu tâm, song chưa phải là tai họa cho các nước đang phát triển, vốn đang phục hồi mạnh mẽ với mức trên 6% một năm kể từ sau suy thoái toàn cầu.

Ông Andrew Burns dự báo nếu tình hình Trung Đông và Bắc Phi được cải thiện, giá dầu sẽ quay về mức của tháng 12 và khi đó tác động của đợt biến động giá vừa qua là không đáng kể.

"Bạo động ở Trung Đông và Bắc Phi chỉ có thể khiến giá dầu tăng 15-20 USD rồi sẽ giảm trở lại", ông dự báo.

Tuy nhiên theo ông Burns, nếu những bất ổn ở khu vực sản xuất dầu trọng yếu của thế giới tiếp diễn và leo thang, các nước đang phát triển sẽ là nơi đầu tiên cảm nhận thấy khó khăn. Đặc biệt các nước nghèo, nơi đang phải đối đầu với thâm hụt cán cân thanh toán lớn sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi họ không đủ lực để chấp nhận giá tăng cao, thay vào đó phải cắt giảm chi tiêu mà điều này sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.

Một số chuyên gia cảnh báo, cái khó của thế giới hiện nay chính là cú sốc giá cả chủ yếu bắt nguồn từ phía cung, chứ không hẳn từ bên cầu. Giá dầu tăng cao thời gian qua chủ yếu do gián đoạn nguồn cung từ các nước khai thác và xuất khẩu lớn ở Trung Đông. Tương tự như vậy với lương thực phẩm, các nước sản xuất lớn có xu hướng tích trữ, hạn chế xuất khẩu trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh. Vì vậy, nếu "thuốc" bình ổn giá đưa ra không đúng toa, sẽ để lại hậu quả không tốt với nền kinh tế.

"Một khi vấn đề tiềm tàng nằm ở bên cung, để đồng tiền tăng giá sẽ không hẳn là một biện pháp tốt", ông Alan Ruskin, chiến lược gia về tỷ giá của Deutsche Bank ở New York.

Theo ông Andrew Burns đến từ WB, lạm phát tại các nước lớn trong nhóm đang phát triển hiện vẫn ở mức thấp, thậm chí rất thấp. Tại nhóm BRIC (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc), lạm phát tăng chủ yếu do dòng vốn đầu tư cá nhân tăng đột biến.