Bớt căng thẳng và áp lực cho học sinh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 sẽ giảm còn 4 môn gồm 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn.

Thông tin này được Bộ GD&ĐT chính thức công bố ngày 13/2 tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết T.Ư 8, khóa XI và triển khai nhiệm vụ học kỳ 2 năm học 2013 - 2014 khối sở GD&ĐT.

Ngoại ngữ nên là môn tự chọn?

4 môn thi tốt nghiệp thể hiện sự đổi mới về một kỳ thi giảm bớt căng thẳng và áp lực cho học sinh (HS), với 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; 2 môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa, Sinh học, Địa lý, Lịch sử. Thí sinh có thể đăng ký thi môn ngoại ngữ với đề thi theo chương trình 7 năm hiện hành để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp.

Trước thắc mắc vì sao chọn Ngoại ngữ là môn khuyến khích, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển lý giải: "Hiện nay, do điều kiện khách quan nên việc dạy học môn Ngoại ngữ ở trường phổ thông rất khác nhau giữa các vùng miền". Tuy nhiên, đa số ý kiến từ các sở GD&ĐT đều không tán thành, bởi không nâng được vị thế môn học cũng như đồng nhất với việc thực hiện đề án ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Hơn nữa, không chỉ đơn thuần là môn khoa học, Ngoại ngữ còn được coi như công cụ để hội nhập. Do vậy, đề nghị đưa Ngoại ngữ là môn tự chọn trong số các môn thi tốt nghiệp được cho là hợp lý. Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam đề nghị: "Nên để ngoại ngữ là môn thi khuyến khích vì khiếm khuyết 2 trong 4 kỹ năng (nghe, nói) là không nên. Chúng ta có thể vượt qua được thông qua hình thức kiểm tra gián tiếp và nên có phần thi tự luận để nâng khả năng của thí sinh".

 
Các thí sinh làm bài thi tốt nghiệp tại Hội đồng thi trường Trưng Vương năm 2013. Ảnh: Quỳnh Anh
Các thí sinh làm bài thi tốt nghiệp tại Hội đồng thi trường Trưng Vương năm 2013. Ảnh: Quỳnh Anh
Trong khi đó, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: "Ngoại ngữ là môn khuyến khích sẽ rất khó cho các trường khi tổ chức thi như gây lãng phí về kinh phí, nhân lực chuẩn bị vì lúc trước các em đăng ký, nhưng sắp thi lại thay đổi quyết định".Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết thêm: "Qua các kênh thông tin khác nhau, lãnh đạo Bộ GD&ĐT có nhận được đề xuất đưa môn ngoại ngữ là môn thi tự chọn (để nâng cao vị trí của môn học này và khuyến khích việc dạy và học môn ngoại ngữ). Chúng tôi sẽ thảo luận, cân nhắc vấn đề này một cách nghiêm túc và cầu thị".

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị việc thay đổi thi tốt nghiệp THPT cần phải bàn kỹ để diễn ra ổn định, không nên để còn mấy tháng nữa thi mà HS vẫn hồi hộp không biết thi môn nào, cách thi ra sao. Đổi mới thi không thể dẫn đến tình trạng sau thời gian thi, giáo viên được phân làm 2 loại: Giáo viên hạng A (dạy môn thi), giáo viên hạng B (dạy môn không thi) sẽ ít có động lực phấn đấu. Không nên nghĩ thi tốn kém, nặng nề mà tốt cho HS thì phải làm.Không thể cào bằng 20% miễn thi tốt nghiệp

Năm nay, ngoài các đối tượng được miễn thi theo quy chế hiện hành, HS bậc THPT và học viên hê giáo dục thường xuyên (GDTX) được xếp loại học lực và hạnh kiểm trong 3 năm học từ khá trở lên (trong đó chú trọng kết quả học tập, rèn luyện ở lớp 12) sẽ được xét miễn thi. Đối với học viên GDTX thuộc đối tượng không xếp loại hạnh kiểm được thay bằng yêu cầu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Nhà nước và không trong thời gian truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bộ quy định tỷ lệ miễn thi chung cho mỗi sở GD&ĐT tối đa là 20%. Sở GD&ĐT có thể xác định tỷ lệ miễn thi cụ thể cho từng trường THPT, trung tâm GDTX dựa trên các căn cứ chủ yếu: Kết quả theo dõi, đánh giá các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy học của nhà trường; những thành tích nổi bật trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện HS. Để xét miễn thi, các trường phải thành lập hội đồng, sau đó trình giám đốc sở GD&ĐT duyệt danh sách HS được miễn thi.

Quy định này không chỉ làm khó cho giám đốc sở GD&ĐT mà còn cho các trường. Bởi hiện nay, chất lượng giáo dục của các tỉnh, thành, các trường trong vùng không tương đồng, nếu lấy 20% sẽ thiệt thòi cho HS và dễ nảy sinh tiêu cực. Do vậy, nhiều ý kiến đề nghị Bộ cần có tiêu chí cứng, rõ ràng để các sở làm theo. Từ kinh nghiệm tuyển dụng viên chức, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tuyên Quang thẳng thắn: "Bộ không có tiêu chí thì việc "làm ra điểm" rất dễ".

Cũng có ý kiến đề nghị Bộ GD&ĐT cân nhắc miễn 20% vì mục đích hướng tới bỏ thi tốt nghiệp thì nên làm, còn nếu để giảm chi phí cho xã hội thì không nên. TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng bày tỏ: Các em HS giỏi không quan trọng có thi hay không. Bộ nên giao cho các trường tổ chức xét tốt nghiệp theo các tiêu chuẩn của Bộ. Sau đó các em sẽ thi 4 môn (2 môn tự chọn, 2 bắt buộc) để đánh giá năng lực thật, là cơ sở để các trường ĐH xét tuyển sinh. Việc thi phải làm thực chất để xã hội đánh giá được sự nghiêm túc, từ đó thầy cô giáo và HS sẽ dạy và học nghiêm túc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra câu hỏi với Bộ GD&ĐT: Với việc hàng năm có 98% HS đỗ tốt nghiệp thì tại sao lại miễn 20%? Nếu thi tốt nghiệp là nhẹ nhàng, sao lại phải miễn? Việc điều chỉnh phương án thi nên được công bố muộn nhất là khai giảng năm học mới, sớm nhất là trong dịp hè để các trường và HS chủ động. 

Như vậy, sau hội nghị này, lãnh đạo ngành giáo dục cần nghiên cứu các ý kiến đóng góp để chốt phương án thi tốt nghiệp THPT 2014 làm sao cho nhẹ nhàng, nghiêm túc, thực chất và tốt nhất cho HS.

 
Điểm xét tốt nghiệp THPT năm 2014  được tính = điểm trung bình 4 bài thi + điểm trung bình cả năm lớp 12: 2 + tổng điểm khuyến khích (nếu có): 4. Còn điểm xếp loại tốt nghiệp được tính = điểm trung bình 4 bài thi  + điểm trung bình cả năm lớp 12 : 2.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 sẽ diễn ra trong 3 ngày (2, 3 và 4/6), các môn tự chọn thi buổi sáng: Địa lý, Hóa học (2/6), Lịch sử, Vật lý (3/6), Ngoại ngữ, sinh học (4/6); các môn bắt buộc thi buổi chiều: Ngữ văn (2/6), Toán (3/6).