Sức hút đặc biệt của ngành giáo dục mầm non
Kinhtedothi - Giáo dục mầm non là một ngành sư phạm đặc thù bởi đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục chính là trẻ em - những mầm xanh tương lai của đất nước. Tuy là ngành học đòi hỏi nhiều tâm sức và đặc biệt vất vả, nhưng sức hút của nghề này lại vô cùng mạnh mẽ theo cách rất riêng.
Nghề đặc thù
Giáo viên mầm non là một nghề mang tính chất đặc biệt, khối lượng công việc lớn, thời gian làm việc kéo dài, đi sớm, về muộn và vô vàn công việc không tên. Nhiều người tưởng rằng sẽ có ít người chọn ngành này, nhưng thực tế lại chứng minh điều ngược lại: hiện rất nhiều bạn trẻ đầy đam mê, quyết tâm theo đuổi ước mơ làm cô giáo mầm non. Khi trực tiếp chứng kiến những gương mặt trẻ trung, rạng rỡ của các nữ sinh vừa tốt nghiệp THPT, say sưa, tỉ mỉ chuẩn bị cho phần thi năng khiếu tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, mới thấy hết được niềm khát khao, tình yêu nghề và sự trân trọng mà các em dành cho ngành giáo dục mầm non lớn lao đến nhường nào.
Giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, có vai trò đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của con người. Ngành đảm nhiệm việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi, giúp trẻ phát triển hài hòa cả về thể chất, tình cảm, trí tuệ và thẩm mỹ, đồng thời hình thành những yếu tố nhân cách đầu tiên - nền tảng để các em bước vào lớp 1.
Chính vì đặc thù là nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con người trong những năm tháng đầu đời, giáo viên mầm non cần đáp ứng những yêu cầu riêng biệt. Hiện nay, phương thức tuyển sinh chính của ngành giáo dục mầm non là xét tuyển theo khối M; trong đó, các tổ hợp môn thi của khối M gồm: toán, ngữ văn và năng khiếu (chuyên ngành giáo dục mầm non); hoặc toán, văn, tiếng Anh và năng khiếu (chuyên ngành giáo dục mầm non - tiếng Anh). Trong các tổ hợp trên, điểm các môn văn, toán và tiếng Anh được lấy từ kỳ thi tốt nghiệp THPT; riêng môn năng khiếu, thí sinh cần đăng ký thi riêng theo quy định của từng trường đại học.

Giáo dục mầm non - một ngành nghề đặc biệt. Ảnh: ND
Các môn thi năng khiếu trong khối M thường gồm: hát, đọc diễn cảm và kể chuyện. Tùy vào từng trường, yêu cầu về môn thi năng khiếu có thể khác nhau, nhưng phần lớn thí sinh đều phải dự thi hát và kể chuyện để xét tuyển.
Mới đây, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức kỳ thi năng khiếu dành cho thí sinh xét tuyển vào các ngành sư phạm. Với hơn 3.000 thí sinh từ khắp các tỉnh thành trong cả nước, ngành giáo dục mầm non có số lượng dự thi đông đảo nhất là trên 1.000 thí sinh. Tại kỳ thi này, mỗi thí sinh phải trải qua các phần thi bao gồm: hát và thẩm âm - tiết tấu; kể chuyện và đọc diễn cảm.
Thí sinh Lò Thị Yến Chi đến từ tỉnh Điện Biên tham dự kỳ thi trong trang phục truyền thống của dân tộc Thái. Em lựa chọn bài hát “Em là cô giáo vùng cao” và chuẩn bị một câu chuyện ngắn để dự thi. Yến Chi chia sẻ: “Em rất yêu trẻ nhỏ và luôn mong muốn trở thành một cô giáo mầm non. Em hy vọng sẽ thể hiện tốt phần thi của mình, chinh phục được các thầy cô trong hội đồng xét tuyển và trúng tuyển vào trường”.
Ngoài Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, hiện có nhiều trường đại học khác trên cả nước cũng đào tạo ngành giáo dục mầm non như: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Đại học Vinh, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật T.Ư...
Bên cạnh khối M, một số trường còn tuyển sinh ngành Giáo dục mầm non theo các tổ hợp khác như: A00 (toán, vật lý, hóa học), B00 (toán, hóa học, sinh học), C00 (ngữ văn, lịch sử, địa lý), D01 (toán, ngữ văn, tiếng Anh)…
Giáo dục mầm non là ngành học trực tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ ngay từ những năm đầu đời. Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, yêu cầu đối với giáo viên mầm non ngày càng cao. Người làm nghề không chỉ cần có chuyên môn vững vàng mà còn phải có phẩm chất đạo đức, tình yêu thương trẻ và lòng tận tâm với nghề.
Hướng đi mở rộng
Đối với những học sinh vừa yêu thích ngành mầm non, vừa có năng lực tiếng Anh tốt và mong muốn phát triển bản thân trong môi trường quốc tế, chuyên ngành giáo dục mầm non - sư phạm Tiếng Anh là một lựa chọn đầy tiềm năng.
Tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên ngành này thuộc Khoa giáo dục Mầm non, nhằm đào tạo đội ngũ giáo viên có năng lực giảng dạy tiếng Anh tại các trường mầm non công lập và ngoài công lập, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của xã hội.
Sinh viên theo học chuyên ngành giáo dục mầm non - sư phạm tiếng Anh sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức về giáo dục mầm non nói chung và kiến thức chuyên sâu về tiếng Anh, bao gồm cả kỹ năng sư phạm và tổ chức các hoạt động giao tiếp bằng tiếng Anh cho trẻ. Chương trình đào tạo theo hình thức tín chỉ, kéo dài 4 năm với hai khối kiến thức chính: kiến thức chung và chuyên ngành, gồm các học phần bắt buộc và tự chọn.
Chuyên ngành này xét tuyển theo hai mã ngành: M01 (toán - tiếng Anh - năng khiếu) và M02 (văn - tiếng Anh - năng khiếu). Tham gia dự tuyển, thí sinh phải thi năng khiếu với hai nội dung: hát và kể chuyện. Điểm tổng sẽ được tính bằng điểm trung bình của hai nội dung năng khiếu cộng với điểm thi THPT theo tổ hợp đã chọn. Ngành này đưa ra yêu cầu khá khắt khe, đó là thí sinh cần phát âm rõ ràng, không nói ngọng, nói lắp; có giọng nói truyền cảm, biểu đạt tốt cảm xúc.
Khi trúng tuyển vào ngành, cùng kiến thức chuyên môn sư phạm, sinh viên sẽ được học tiếng Anh một cách bài bản, đầy đủ 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết, giúp sử dụng thành thạo trong công việc; đồng thời, có cơ hội học hỏi, giao lưu cùng giảng viên và sinh viên quốc tế đến từ các nền giáo dục tiên tiến.
Một điểm cộng của chuyên ngành này là tất cả các học phần đều được biên soạn thành giáo trình cụ thể, điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên trong quá trình học tập, tìm kiếm tài liệu. Các kiến thức mới cũng được giảng viên liên tục cập nhật, bảo đảm sinh viên theo kịp với thực tiễn giáo dục. Sau khi tốt nghiệp, người học còn có thể tiếp tục học lên thạc sĩ, tiến sĩ nếu có nhu cầu nâng cao trình độ.
Có thể thấy, hiện giáo dục mầm non nói chung, giáo dục mầm non - Sư phạm tiếng Anh nói riêng đang là lĩnh vực giàu tiềm năng phát triển, phù hợp với những bạn trẻ đam mê giáo dục, yêu trẻ nhỏ, có năng lực ngoại ngữ và mong muốn tìm kiếm công việc ổn định, mức thu nhập tốt, làm việc trong môi trường năng động và sáng tạo.
Trong bối cảnh tiếng Anh đang dần trở thành ngôn ngữ thứ hai trong các trường học và trẻ em được tiếp cận tiếng Anh từ sớm, ngành Giáo dục mầm non - Sư phạm Tiếng Anh hứa hẹn sẽ còn phát triển mạnh mẽ, tiếp tục thu hút đông đảo sự quan tâm của thế hệ trẻ.

Công nghệ thực phẩm - ngành học với sức khỏe
Kinhtedothi - Trong xã hội hiện nay, ngành công nghệ thực phẩm giữ vai trò quan trọng với việc bảo đảm nguồn cung cấp thực phẩm an toàn và bền vững, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Ngành học này còn đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên và chuyên gia, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Khoa học vật liệu - ngành học gắn liền với sự phát triển của công nghệ
Kinhtedothi - Trong thời đại công nghệ phát triển, việc đẩy mạnh nghiên cứu và đào tạo ngành khoa học vật liệu có ý nghĩa rất lớn đối với khoa học kỹ thuật cũng như nhu cầu cuộc sống của con người.
Robot và trí tuệ nhân tạo - ngành học mới đầy sức hút
Kinhtedothi - Với sự ra đời của AI, lao động ở không ít ngành được dự báo sẽ đứng trước nguy cơ thất nghiệp.