Bớt nỗi lo từ thi trắc nghiệm

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nỗi lo của giáo viên, học sinh (HS) về hình thức thi trắc nghiệm, đặc biệt là môn Toán trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 phần nào được giải tỏa khi Bộ GD&ĐT công bố các đề thi minh họa.

Nhiều ý kiến cho rằng, đề thi mẫu rất quan trọng giúp giáo viên, HS định hướng tốt trong việc dạy, học và ôn tập.
Có cách định hướng cho học sinh
Nhận xét về đề thi minh họa trắc nghiệm môn Toán năm 2017, ông Nguyễn Văn Đức - giáo viên bộ môn Toán. trường THPT Đồng Quan (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết, toàn bộ kiến thức trong đề thi gói gọn trong chương trình lớp 12, HS nắm chắc kiến thức có thể đạt được 70% yêu cầu. “Đề ra khá hay, một số câu hỏi được lồng ghép với kiến thức thực tế xã hội như: tính lãi suất, tính vận tốc... 50 câu hỏi rải đều trong chương trình lớp 12, chỉ có 1 – 2 câu lớp 11 phụ trợ. Với cách ra đề này có thể loại bỏ hình thức học tủ, học lệch của HS. Tuy nhiên, nhược điểm là không phân loại được HS khá, giỏi, các câu hỏi không có sự phân hóa mạnh” – ông Đức nhận định.
 

Thí sinh làm bài thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 tại Đại học GTVT Hà Nội.        Ảnh: Phạm Hùng

Sau khi đề thi minh họa môn Toán được công bố, trên website của trường Bigschool, TS Lê Thống Nhất cũng đưa ra những lưu ý đối với giáo viên, HS trong việc dạy và học, hiểu đúng về thi trắc nghiệm môn Toán, để HS không hoang mang với hình thức thi mới. Theo TS Nhất, với ưu thế về số câu ở hình thức trắc nghiệm, các kiến thức Toán lớp 12 có trong đề được phủ rộng hơn so với đề tự luận. Mặt khác, với 50 câu nên các dạng bài có tính “đánh đố” đã không xuất hiện mà tất cả đều là các câu liên quan tới các kiến thức cơ bản trong chương trình từ mức độ kiểm tra kiến thức tới vận dụng sự hiểu biết. Để làm bài tốt, việc ôn tập thi trắc nghiệm Toán không chỉ dừng lại ở việc luyện tập kĩ năng sử dụng máy tính cầm tay. "Các đáp án đưa ra cho HS lựa chọn đánh lạc hướng HS vào những sai lầm thường mắc, bởi vậy, khi dạy thầy cô cần phân tích những sai lầm hay gặp phải để HS tránh được những đáp án có tính chất “bẫy” vào lựa chọn đáp án sai. Việc đọc hiểu các đáp án cũng cần rèn luyện cho HS, cần dạy những cách giải khác nhau để khi gặp các tình huống trong đề thi HS có thể lựa chọn cách làm nào nhanh nhất tuỳ theo các phương án mà đề thi đưa ra, đặc biệt là khi nào dùng phép thử để chọn đáp án đúng và nên thử đáp án nào trước” – ông Nhất lưu ý.
Điều chỉnh phương pháp dạy
Thời điểm này các trường THPT ở Hà Nội cũng đã có phương án, kế hoạch điều chỉnh phương pháp kiểm tra đánh giá theo định hướng đổi mới giữa học và thi. Bà Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cho biết, khi mới chỉ là dự thảo thi THPT quốc gia 2017, trường thông báo tới giáo viên, HS, phụ huynh để cùng có phương án chuẩn bị theo yêu cầu của kỳ thi. Do vậy, khi có quyết định chính thức về kỳ thi THPT quốc gia và đề thi minh họa, trường cũng thông báo tới toàn thể giáo viên, HS, phụ huynh để có sự chuẩn bị tốt nhất. “Việc Bộ GD&ĐT ra đề thi mẫu có vai trò rất quan trọng để giáo viên, HS định hướng tốt trong việc dạy và học. Ngay tuần này trường sẽ tiến hành từng bước: thông báo tới từng giáo viên, HS, phụ huynh, sau đó các giáo viên bộ môn ngồi lại để bàn bạc; nguyện vọng HS vào trường nào; ý kiến của phụ huynh... Qua đó, trường sẽ lên kế hoạch cụ thể, dạy và học phù hợp theo yêu cầu mới” – bà Nhiếp chia sẻ.
Cũng chuẩn bị tốt tâm lý cho HS trước kỳ thi có nhiều đổi mới này, bà Vũ Thị Phương Anh - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, tất cả các môn trong danh sách thi THPT quốc gia đều được bàn thảo, có lộ trình hình thức kiểm tra kết hợp giữa tự luận và trắc nghiệm để HS làm quen. Với yêu cầu đổi mới, bắt buộc giáo viên, HS phải nỗ lực để bắt nhịp với những thay đổi trong kỳ thi sắp tới. Hiện trường đã lên kế hoạch và thực hiện để HS, giáo viên vào guồng học tập, ôn luyện cho kỳ thi cuối cấp THPT đạt kết quả tốt nhất.