KTĐT - Trong khi chờ đợi những giải pháp của chính quyền thành phố, để phục vụ nhu cầu đi lại hàng ngày, đảm bảo đúng giờ giấc, giới nhà giàu ở đây đã bỏ ra cả đống tiền để sắm trực thăng.
Tắc đường xảy ra như cơm bữa ở Sao Paulo, thành phố lớn nhất Brazil. Hàng năm, thiệt hại từ tắc đường lên tới 4,1 tỷ Real.
Do kinh tế tăng trưởng tốt, số lượng ôtô ở Sao Paulo tăng 25%, trong khi cơ sở hạ tầng đường bộ chỉ tăng 6%. Tính đến tháng 2/2008, số lượng xe ôtô ở thành phố này vào khoảng 6 triệu chiếc, nhưng mỗi ngày, lại có thêm khoảng 800 ôtô mới xuất hiện trên đường phố.
Sao Paulo hiện có gần 20 triệu người. (Ảnh: Triprepot) |
Ở trung tâm thành phố, ôtô nườm nượp. Bất cứ lúc nào, ngày thường hay ngày lễ, người dân nơi đây cũng phải "gắn bó" với nạn tắc đường. Những con đường ngoại ô thường xảy ra cảnh tượng hàng dài xe tải, xe chở hàng nối đuôi nhau. Theo nghiên cứu của Cục giao thông thành phố, tổng số km đường bị tắc hàng ngày lên tới 80km, vào giờ cao điểm có thể lên tới 200km.
Tắc đường khiến ai ai cũng mệt mỏi. (Ảnh: Huanqiu) |
Cơ quan này còn cho biết, tình trạng tắc đường ngày càng nghiêm trọng không chỉ gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, mà còn khiến sức hấp dẫn đầu tư của thành phố bị giảm mạnh. Nếu hệ thống giao thông tương đối hoàn thiện, mỗi ngày người dân Sao Paulo có thể tiết kiệm được ít nhất 30% thời gian đi làm.
Trong khi chờ đợi những giải pháp của chính quyền thành phố, để phục vụ nhu cầu đi lại hàng ngày, đảm bảo đúng giờ giấc, giới nhà giàu ở đây đã bỏ ra cả đống tiền để sắm trực thăng. Có khoảng 500 trực thăng cá nhân thường xuyên bay lượn trên thành phố. Sao Paulo có 210 sân đáp trực thăng nằm trên nóc các cao ốc, nhiều nhất thế giới.
Trực thăng là phương tiện tốt để tránh tắc đường. (Ảnh: Huanqiu) |
Di chuyển bằng máy bay trực thăng đã không còn là chuyện lạ ở đây. Với 58% số hộ giàu có nhất Brazil sống tại đây, Sao Paulo là thành phố hàng đầu trong việc sử dụng trực thăng. Có tài liệu cho rằng, số lượng trực thăng và máy bay riêng ở đây nhiều gấp 6 lần so với New York (Mỹ).