Brexit có làm doanh nghiệp Anh sợ?

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa đầy một tuần nữa, Anh sẽ bước vào cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc về việc đi hay ở lại Liên minh Châu ÂU (EU). Các DN xứ sở sương mù có nao núng trước sự kiện này?

Kỳ thực, nhiều DN Anh vẫn còn lạc quan trước viễn cảnh cuộc trưng cầu dân ý (được gọi với cái tên Brexit). Theo một khảo sát của Viện Kiểm soát Nội bộ Anh, tính tới tháng 2 năm nay, hơn 75% các công ty thuộc nhóm chỉ số FTSE 250 của Anh chưa có kế hoạch cho Brexit. Nếu Anh quyết định rời khỏi EU, cũng phải tốn hai năm để “cuộc ly hôn” này chính thức có hiệu lực. Ông Mujtaba Rahman - chuyên gia của Tập đoàn tư vấn Á Âu (Eurosia) khẳng định, các DN vẫn chưa chuẩn bị cho khả năng Brexit bởi họ tin rằng cho dù điều đó xảy ra, thì sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau giữa Anh và EU sẽ khiến hai bên vẫn có mối quan hệ “thân mật” dù “ly hôn”. Điều này giải thích vì sao cho đến nay, các công ty vẫn chưa đưa ra kế hoạch đối phó khẩn cấp thực sự trước sự việc này.
Nhiều doanh nghiệp Anh vẫn tỏ ra lạc quan trước cuộc trưng cầu tới đây.
Nhiều doanh nghiệp Anh vẫn tỏ ra lạc quan trước cuộc trưng cầu tới đây.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính Anh sẽ phải đau đầu nếu Brexit thành hiện thực bởi đồng bảng Anh chắc chắn sẽ “nhảy múa” và đặt nhiều gánh nặng lên thương mại, kinh tế và người nhập cư tại Anh. Đối với rất nhiều tập đoàn xuất khẩu trong nhóm chỉ số FTSE 100, diễn biến giá đồng bảng Anh sau sự kiện này là mối lo ngại hàng đầu. Nếu Anh rời khỏi EU, việc đồng tiền này sụt giá ngắn hạn sẽ khiến hàng hóa xuất khẩu mất giá và ngược lại, nếu Anh tiếp tục là thành viên của khối 28 quốc gia, giá đồng bảng Anh sẽ nhảy vọt. Dù là theo chiều hướng nào, thị trường tiền tệ Anh sẽ phải chuẩn bị đón những làn sóng dao động mới. Các hãng sản xuất ảnh hưởng lớn bởi đồng nội tệ như Rolls-Royce, BAE System, Tập đoàn dược phẩm GlaxoSmithKline hay hãng thuốc lá British American sẽ có thời kỳ lao đao. Bên cạnh đó, một khi Anh rời khỏi EU sẽ tạo những tác động ngắn hạn về tâm lý lên thị trường. Bài toán lúc đó của các DN nước này là đảm bảo với khách hàng, lực lượng lao động và nhà đầu tư rằng quá trình hoạt động của của họ vẫn tiếp diễn nếu các cử tri Anh quyết định “rời đi”. Mối lo của một số DN là duy trì quan hệ với các nhân viên, khách hàng, nhà cung ứng và cổ đông nước ngoài sau khi kết quả công bố ngày 24/6. Trong lĩnh vực tài chính, các ngân hàng lớn như Citi và Goldman Sachs dự kiến sẽ có giao dịch viên cấp cao hoạt động thâu đêm để đảm bảo kiểm soát toàn bộ biến động 24 giờ sau cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6.

Về lâu dài, giới ủng hộ Brexit lại nhất trí cho rằng tính cạnh tranh của nền kinh tế Anh bị suy yếu nếu nước này tiếp tục là thành viên của một EU "lỗi thời", rằng các điều luật của khối này đang bóp nghẹt DN Anh. Theo họ, việc Anh đứng ngoài EU sẽ giúp các DN nước này phát triển mạnh hơn, vươn ra các thị trường mới và tạo thêm nhiều việc làm, theo đó kêu gọi cử tri Anh lựa chọn rời khỏi EU để nước này giành lại quyền kiểm soát tài chính. Do đó, dù Anh ở lại hay rời khỏi EU, cộng đồng DN nước này đều sẽ phải đối diện với thách thức ngắn hạn và dài hạn.
Ngày 16/6, một trong những nghị sỹ tiên phong ủng hộ Anh ở lại EU – bà Jo Cox đã thiệt mạng vì bị bắn và đâm trọng thương. Các chiến dịch vận động liên quan đến Brexit đã phải tạm ngừng do việc này. Hiện chưa rõ ảnh hưởng của vụ thảm sát này tới cuộc trưng cầu hôm 23/6, tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng nó có thể thúc đẩy chiến dịch ủng hộ Anh ở lại EU.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần