"Bữa tiệc" ma túy tại karaoke Dubai và những tin xấu cuối năm của du lịch Việt

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tuần qua, những thông tin về Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 12/2108; Trung ương kỷ luật ông Tất Thành Cang; 152 du khách Việt “mất tích” tại Đài Loan; cô giáo mang ma túy vào bữa tiệc sinh nhật... nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý của dư luận.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
Chiều 26/12, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Mặc dù thời gian Hội nghị diễn ra không dài, song những nội dung, vấn đề được bàn và quyết định tại Hội nghị được đánh giá là rất hệ trọng.
Trong 2 ngày làm việc, Hội nghị đã thảo luận, cho ý kiến về các nội dung, vấn đề lớn là: Lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư theo quy định; Giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021 - 2026; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2018; Báo cáo các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 8 đến Hội nghị Trung ương 9 khóa XII; Xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ.
Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 21 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khóa XII theo quy định.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, cho ý kiến về việc giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với 205 đồng chí để Bộ Chính trị xem xét, quyết định quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo thẩm quyền.
Theo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2018. Giao Bộ Chính trị nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thảo luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã xem xét Báo cáo của Bộ Chính trị về những công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 8 đến Hội nghị Trung ương 9 khóa XII.
Ông Tất Thành Cang
Kỷ luật ông Tất Thành Cang
Cũng tại Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất cao với Tờ trình của Bộ Chính trị về việc đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; cách chức Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 - 2020; cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 31, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Tất Thành Cang.
Ông Tất Thành Cang đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc, vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh và các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các DN thuộc Thành ủy, chấp thuận chủ trương để người đại diện phần vốn của Thành ủy biểu quyết phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược tại DN; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ TP.
Đặc biệt, trong thời gian giữ cương vị Thành ủy viên, Ủy viên UBND TP, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, ông Tất Thành Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tăng trưởng GDP năm 2018 tăng kỷ lục trong 10 năm
Phát biểu tại phiên họp thường kỳ tháng cuối cùng của năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo tin vui là tăng trưởng GDP năm 2018 của đất nước đạt 7,08%. Bên cạnh đó, thu ngân sách Nhà nước, nhất là ngân sách Trung ương đạt kết quả đáng mừng.
Kể từ năm 2008 đến nay, lần đầu trong 10 năm, nền kinh tế chúng ta đã không chỉ đạt mà còn vượt mức tăng trưởng 0,38 điểm phần trăm, từ 6,7% đã lên mức 7,08% trong năm 2018. Nếu năm 2017, chúng ta xuất siêu đạt mức kỷ lục 2,1 tỷ USD thì năm 2018, chúng ta dự kiến đạt mức xuất siêu kỷ lục, lên đến trên 7 tỷ USD, gấp hơn 3 lần kỷ lục mà chúng ta đã xác lập được.
“Trước đây, chúng ta lo lắng, sợ sập đổ tài khóa quốc gia thì lần đầu tiên, đến hôm qua, chúng ta đã có vượt thu ngân sách so với dự toán khoảng 3,5 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục. Nợ xấu giảm rất sâu. Những nhiệm vụ về bảo đảm an sinh xã hội, chính sách người có công và giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường đều thực hiện tốt.
Nhiều kết quả tích cực về văn hóa, xã hội, đặc biệt là những thành tích thể thao rất ấn tượng và nhiều cuộc thi quốc tế, đoàn Việt Nam luôn đạt giải cao, nhiều tiến bộ trong lĩnh vực y tế… Đặc biệt, nhiều vụ án tham nhũng lớn được thanh tra, điều tra nghiêm túc, đưa ra xét xử nghiêm minh...”, Thủ tướng cho biết.
Tuy vậy người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh: “Chính phủ sẽ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế, không những 2017, 2018 và cả những năm tới đây bởi hành trình của dân tộc ta còn rất dài, với rất nhiều thách thức phía trước và hơn thế nữa nội hàm giá trị cốt lõi và định hướng xuyên suốt của chúng ta trong mọi hành trình, chặng đường phát triển là không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau, từ thành thị tới nông thôn, từ miền ngược đến miền xuôi, biên giới, hải đảo”.
Trần Phương Bình bị xét xử tại giai đoạn một của vụ án. Ảnh: Hữu Khoa.

Khởi tố thêm 10 bị can trong đại án Ngân hàng Đông Á
Ngày 27/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố ông Trần Phương Bình (59 tuổi, nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á - DAB), Nguyễn Thị Ngọc Vân (nguyên Phó Tổng giám đốc DAB), Nguyễn Đức Tài (nguyên Giám đốc DAB Sở giao dịch) về hành vi Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo Điều 206 BLHS năm 2015.
Bị cáo buộc cùng tội danh là Nguyễn Chí Công (Phó phòng tín dụng DAB Sở giao dịch), Phạm Huy Luận (Giám đốc DAB Chi nhánh quận 4) cùng cấp phó Vũ Đức Dũng, Nguyễn Văn Bảo (Trưởng phòng tín dụng chi nhánh này) và 3 cựu lãnh đạo DAB Chi nhánh quận 9, 10.
Động thái này được nhà chức trách đưa ra trong giai đoạn 2 điều tra các sai phạm tại DAB, gây thiệt hại ước tính hàng nghìn tỷ đồng. Vụ án nhằm làm rõ hành vi của các cựu cán bộ nhà băng chi lãi ngoài cho một số tổ chức gửi tiền, liên quan những khoản vay thuộc nhóm Hiệp Phú Gia, Nguyễn Thị Ngọ, Tân Vạn Hưng, Đồng Tiến và M&C.

Tại giai đoạn 1 vụ án, ông Trần Phương Bình, Vũ Nhôm và 24 bị cáo bị kết luận chiếm đoạt, gây thiệt hại cho DAB hơn 3.600 tỷ đồng.
Hôm 20/12, ông Bình bị TAND TP Hồ Chí Minh tuyên án chung thân về các tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Vũ Nhôm nhận 17 năm tù về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp với bản án 8 năm tù TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên trước đó (đã có hiệu lực), bị cáo phải nhận 25 năm tù.
Ảnh minh họa
Yêu cầu Grab bồi thường 4,8 tỷ cho Vinasun
Sau thời gian dài xét xử, tạm ngừng cho hai bên tự hòa giải, rồi hòa giải bất thành, ngày 28/12, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên án vụ Công ty Cổ phần Ánh dương Việt Nam - đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun kiện Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab) đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng 41,2 tỉ đồng.
Theo đó, HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab bồi thường hơn 4,8 tỷ đồng cho Vinasun, bác phần đòi bồi thường còn lại.
Vinasun cho rằng Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, không phải doanh nghiệp kinh doanh công nghệ như Đề án 24. Vinasun khẳng định chính bởi sự xuất hiện của Grab với các chương trình khuyến mãi tràn lan, cuốc xe 0 đồng khiến khách hàng chuyển sang sử dụng dịch vụ của Grab, gây thiệt hại cho Vinasun nên yêu cầu Grab bồi thường hơn 41,2 tỉ đồng.
Máy bay Vietjet rơi 2 bánh trước tại sân bay Buôn Mê Thuột. Ảnh: TTO

Bộ GTVT cảnh cáo hãng VietJet sau nhiều sự cố liên tiếp
Trong tuần qua, Bộ GTVT đã có chỉ thị về việc đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, trong đó cảnh cáo hãng VietJet đã để xảy ra các vụ việc uy hiếp an toàn bay trong thời gian vừa qua.
Chỉ thị ký ngày 27/12, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ trong thời gian ngắn (quý IV), hãng hàng không VietJet đã có 7 sự cố máy bay, trong đó có 5 sự cố do hỏng hóc kỹ thuật và 2 sự cố do yếu tố chủ quan của nhân viên hàng không.
Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định việc để xảy ra liên tiếp các sự cố hàng không đã làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ hàng không, tâm lý của hành khách. Bộ nghiêm khắc cảnh cáo hãng hàng không VietJet đã để xảy ra các vụ việc uy hiếp an toàn bay trong thời gian vừa qua.
Chỉ thị cũng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác tàu bay của VietJet (đặc biệt kiểm tra về bằng cấp, chứng chỉ của tổ bay, nhân viên kỹ thuật phục vụ các chuyến bay, thời gian làm việc), đánh giá lại toàn bộ yếu tố khai thác quản lý, đảm bảo kỹ thuật đối với VietJet.
Sau tuyên bố sẽ giám sát đặc biệt với hãng VietJet tại 4 sân bay, Cục Hàng không Việt Nam vừa lập 7 đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ này từ 28/12 đến ngày 15/1.
Các đoàn công tác sẽ tập trung kiểm tra máy bay, kiểm tra trên chuyến bay, kiểm tra công tác đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ khai thác bảo dưỡng tàu bay; Kiểm tra công tác đảm bảo vật tư, khí tài, công tác huấn luyện phi công...
Một phụ nữ Việt Nam (áo vàng) trong đoàn 152 du khách bỏ trốn ở Đài Loan bị bắt. Ảnh: NIA.

Liên tiếp tin xấu cuối năm của ngành du lịch
Năm 2018 được coi là 1 năm thành công của Du lịch Việt Nam với những kết quả nổi bật, hoàn thành xuất sắc các kế hoạch được giao và vị thế của ngành Du lịch không ngừng tăng lên. Trong năm, ngành Du lịch đã đón khoảng 15,6 triệu khách quốc tế đến, phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 620.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vào những ngày cuối năm 2018, liên tiếp đã có 2 tin xấu đến với ngành du lịch từ những đoàn khách Việt ra nước ngoài.
Đầu tiên là vụ 152 du khách Việt “mất tích” tại Đài Loan (Trung Quốc). Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, cơ quan quản lý du lịch Đài Loan ngày 25/12 xác nhận 152 trên tổng số 153 người trong một đoàn du lịch từ Việt Nam tới TP Cao Hùng đã “biến mất”.
Cụ thể, Công ty TNHH Thương mại du lịch Kỳ nghỉ quốc tế thông qua giới thiệu của Công ty ETholiday của Đài Loan đã cung cấp dịch vụ visa cho 153 khách của Công ty TNHH Twin Bright và Công ty TNHH Thương mại và du lịch Golden Travel có trụ sở chính ở Hà Nội.
153 khách được chia thành 4 đoàn đi du lịch Đài Loan, trong đó một đoàn khách do Công ty Golden Travel tổ chức, khởi hành vào ngày 21/12. Ba đoàn khác do Công ty Twin Bright tổ chức khởi hành vào ngày 23/12. Đến nay, trưởng đoàn khách của Công ty Golden Travel đã về nước, 152 du khách hiện không liên lạc được.
Theo hãng tin Central News ngày 29/12 đưa tin, giới chức Đài Loan đã tìm thấy 12 người, 8 người khác đã tới cơ quan an ninh trình diện.
Ngay sau vụ việc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng của Bộ khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin để xử lý.
Trong khi đó, chiều 27/12, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định, báo cáo Chính phủ kết quả xử lý trong vòng 7 ngày.
Hiện trường vụ đánh bom xe chở du khách ngày 28/12. Ảnh: AFP.
Tin xấu thứ 2 xảy ra ngày 28/12. Vào lúc 18h15 ngày 28/12 đã xảy ra một vụ đánh bom tại Cairo, Ai Cập. Đoàn xe chở 15 khách du lịch Việt Nam của Saigontourist đã trúng bom làm 3 người tử vong, 12 người bị thương, trong đó 10 người bị thương nặng hiện đang điều trị tại bệnh viện và 2 người bị thương nhẹ đã được đưa về trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập chăm sóc.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập đã đến hiện trường và tới bệnh viện Al Haram nơi điều trị các nạn nhân để thăm hỏi, động viên và nắm tình hình. Thủ tướng Ai Cập cũng đến bệnh viện để thăm hỏi và chia buồn với các nạn nhân. Đại sứ đã làm việc với Bộ trưởng Du lịch và Bộ Y tế Ai Cập đề nghị có biện pháp hỗ trợ điều trị tích cực cho các nạn nhân bị thương và tạo thuận lợi để giúp công dân Việt Nam sớm trở về nước an toàn.
Bộ Ngoại giao đã liên hệ với Đại sứ quán Ai Cập tại Việt Nam, đề nghị hỗ trợ cấp thị thực khẩn cho thân nhân của những người bị nạn, để sớm sang Ai Cập, phối hợp với các bên liên quan giải quyết quyền lợi cho các nạn nhân.
Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập tiếp tục theo dõi tình hình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các công dân Việt Nam.
13 người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy tại Karaoke Dubai
"Bữa tiệc" ma túy tại Dubai gây phẫn nộ dư luận
Theo diễn biến vụ việc, khuya 21/12, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Hà Tĩnh cùng Công an huyện Hương Khê huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ bất ngờ kiểm tra phòng VIP 8 Karaoke Dubai thuộc tổ dân phố 1, thị trấn Hương Khê.
Tại đây, công an bắt quả tang 13 người đang có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; thu giữ một gói nylon màu xanh bên trong chứa thảo mộc khô màu nâu (cỏ Mỹ), ba viên nén màu xám hình lục giác (ma túy tổng hợp), một túi nylon chứa tinh thể màu trắng (ma túy dạng đá) và nhiều tang vật khác.
Cả nhóm khai nhận đang tổ chức sinh nhật cho một người trong nhóm. Qua kiểm tra bằng phương pháp test nhanh xác định cả 13 người có kết quả dương tính với ma túy. Họ khai ma túy được mua ở TP Vinh (Nghệ An).
Ngày 26/12, Công an huyện Hương Khê đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố với 3 bị can, phạt hành chính 10 người. Điều khiến dư luận phẫn nộ là do, trong nhóm người trên có 1 nữ giáo viên tiểu học, 1 nữ kế toán mầm non, 1 phó giám đốc ngân hàng và cán bộ kiểm lâm huyện Hương Khê. Đặc biệt, công an xác định nữ giáo viên tiểu học chính là người đưa 10 viên ma túy vào phòng hát để nhóm người sử dụng.