Bầy sẻ thành phố sống trên những cây xà cừ chạy dọc đại lộ. Sáng tinh sương chúng đã kéo nhau bay đi kiếm ăn. Một số khôn ngoan chọn những trường học. Ở đó có nhiều khoảng thời gian tĩnh lặng để chúng thảnh thơi vừa kiếm mồi vừa hưởng thụ thú vui đơn giản của đời chim.
Có lần, một đôi chim sẻ làm tổ trong ống nước nhà tôi. Tim phát hiện ra chúng từ rất sớm, và nó háo hức với bầy chim non chưa từng thấy bao giờ ấy đến mức một ngày không kể xiết những lần nó nhắc đến bầy chim. Tim vẽ đàn sẻ nâu trên những trang giấy trắng đầu tiên của đời mình. Dĩ nhiên, bầy sẻ trong tranh chẳng hề giống lắm với bầy sẻ ngoài đời. Nhưng tất cả đều toát lộ sự sinh động, đáng yêu và đầy bất ngờ qua cách một đứa trẻ ba tuổi quan sát và mô tả. Chỉ là, vào một ngày mưa nọ, xác ba chú sẻ non nổi lềnh bềnh trong bể nước mưa. Khi chọn vị trí xây tổ cho con mình, cặp chim sẻ bố mẹ thiếu kinh nghiệm đã dẫn đến cái chết thương tâm của ba chú chim non. Tim không hiểu vì sao ba con sẻ non ấy lại chết, và sự đau khổ thì đeo đẳng nó đến vài tuần. Suốt mấy tuần ấy, mỗi lần nhắc đến chim sẻ là Tim lại khóc nấc lên, đầy vẻ tự nhiên và khổ đau dữ dội. Tim là một cậu bé nhạy cảm hơn mức bình thường rất nhiều. Từ đó, dẫu có xung đột mức nào, tôi và nàng cũng cố gắng tránh gây cho thằng bé những tổn thương. Đó là nghĩa vụ mà cha mẹ phải thực hiện. Nàng tuyên bố và ra lệnh. Như đêm hôm trước nàng yêu cầu tôi phải đến trường gặp cô giáo của Tim, để biết điều gì khiến cô ấy lo lắng và giải pháp thực hiện mong đưa Tim trở lại thế giới thực này.
Phải có lý do đặc biệt tôi mới được đặc cách vào trường khi chưa tan học. Phòng học của Tim ở cuối dãy. Một cây ban hoàng hậu to lớn nghiêng hẳn cành lá của nó xuống những dãy ghế đá trước cửa lớp học. Trong lớp, tiếng một đứa trẻ lảnh lót đầy kiêu hãnh:
“Dạ. Thưa cô, đây là cảnh ba mẹ con đưa con đi siêu thị”.
Tôi ghé mắt ngó vào trong phòng. Chắc đang giờ cô trò trả bài môn mỹ thuật, và với chủ đề gia đình, nên đứa trẻ nào cũng háo hức với bức tranh miêu tả gia đình với đủ mọi sắc thái và dưới cách nhìn của chúng. Cuối phòng, Tim đang chống tay lên má, những ngón tay nhỏ ôm lấy vành tai. Nó đang nhìn ra ngoài cửa sổ. Ngoài cửa sổ, sát với tường bao ngăn cách trường học với một con đường nhỏ có một cây ban hoàng hậu khác đang đu đưa những bông hoa màu tím.
Trong khuôn viên trường mầm non trồng khá nhiều ban hoàng hậu. Có lần, trong một bức tranh vẽ, Tim đã miêu tả cây ban hoàng hậu bên cửa sổ rất chi tiết, đến nỗi tôi tự thuyết phục bản thân rằng mình đã từng đến thăm cái cây đó, từ lâu trở nên thân thiết. Và cứ nhìn cái cây hoa tím đó, tôi lại nhớ đến mẹ con nàng, với một nỗi buồn không giấu được.
“Nào, cô mời bạn Tim. Bạn Tim giới thiệu với cả lớp bức tranh của mình nhé!”
Tim mang bức tranh lên trước cả lớp để thuyết trình. Tôi bất giác mỉm cười. Nghệ thuật tự nó nói lên điều nó muốn, sao lại bắt nghệ sĩ, dẫu là nghệ sĩ nhí giải thích về ý đồ nghệ thuật của mình cơ chứ.
Trong phòng, giọng Tim thanh trong ngân lên khe khẽ: “Dạ con thưa cô. Ba của con mới đi làm về. Tay ba cầm cái cặp da to đùng…”.
Nàng cho con trai học ở một trong những trường mẫu giáo danh giá nhất thành phố. Danh giá đồng nghĩa với đắt đỏ. Nàng bảo ở một ngôi trường sang trọng và đắt đỏ như trường mẫu giáo ấy, cơ hội để thằng bé phát triển tài năng cao hơn rất nhiều so với một ngôi trường bình thường. Tim có khiếu hội họa. Ngay từ năm ba tuổi nó đã biết dùng chì màu vẽ những bức tranh đầy ấn tượng trên tường, sàn nhà, giấy, hay bất cứ nơi nào nó muốn, trong đó có câu chuyện về gia đình chim sẻ.
Năm Tim ba tuổi và bộc lộ tài năng hội họa, thì tôi và nàng ly dị. Bạn bè không ai hỏi tôi một lời, (ví dụ như: cô ấy tốt thế sao cậu lại bỏ?). Họ ngầm biết nguyên nhân. Thằng cu Tim con trai nàng, (giờ thì tôi có lý do để rạch ròi như vậy) giống Dũng, người yêu cũ của nàng rất nhiều. Tức là thay vì giống tôi, người cha trong giấy khai sinh của nó, thì nó lại giống gã người yêu cũ của mẹ nó, người đã chết bởi một căn bệnh hiểm nghèo hiếm gặp.
Dũng là bạn cũ của tôi và nàng. Gã là một họa sĩ nghiệp dư. Tức là chẳng qua một trường lớp đào tạo nào, nhưng lại thể hiện đặc sắc hơn nhiều họa sĩ được đào tạo bài bản. Điều này tương đối dễ hiểu. Tài năng nghệ thuật là một món quà, mà đôi khi người được không muốn, người muốn không được. Kẻ không được thì đầu tư bài bản vẫn tạo ra những thứ yếu nghĩa. Lẽ dĩ nhiên, ngược lại, kẻ được nhưng không muốn ấy có làm ăn lớt chớt cũng thành tác phẩm. Trái khoáy cho tôi và gã, gã là kẻ được mà không muốn, còn tôi là kẻ muốn mà không được. Nên ngay từ khi chưa liên quan dính líu đến nàng, tôi đã âm thầm không ưa gì gã.
Một ngày nọ, gã chết vì một căn bệnh hiếm gặp trên đời, còn nàng, người yêu cũ của gã ngả vào vòng tay tôi. Ai rồi cũng cần được sống và được yêu. Nàng không vì từng yêu gã mà ngoại lệ.
Tôi và nàng chia tay. Chúng tôi chia tay rất văn hóa, tức là không chửi bới thóa mạ nhau, vì thế thi thoảng nàng có đưa Tim đến thăm tôi, và ngược lại, tôi chịu trách nhiệm trông nom nó một hai hôm khi nàng đi công tác xa mà không nhờ được ai trông thằng bé giúp.
“Ba khen mẹ con nấu món canh chua cá ngon hơn ở nhà hàng”.
Trong phòng, Tim đã lý giải gần xong bức tranh của mình. Có lẽ nó hụt hơi, giọng nhỏ và yếu dần. Tôi không dám ngó vào phòng, sợ nó bắt gặp. Đã lâu rồi, từ ngày tôi nhận ra Tim có nhiều nét giống Dũng, thì trong sâu thẳm lòng mình tôi đã không còn chấp nhận được việc có những hành vi, cử chỉ chăm sóc, âu yếm, ngắm nghía thằng bé nữa. Trái tim tôi luôn thường trực một cơn ghen cuồng loạn. Nhưng tôi không rõ là may cho tôi hay may cho nàng, tôi lại không bao giờ để ngọn lửa hờn ghen ấy bốc lên. Trái lại, nó tích tụ thành một thứ dung nham nóng bỏng, nghẹn ứ, cho đến một ngày tôi quyết định ly hôn.
Khi một người phụ nữ mang thai, nếu cô ta nghĩ về ai đó quá nhiều, quá sâu, đứa trẻ sẽ mang hình hài tương tự người trong mộng đó. Nói cách khác, có những trường hợp đặc biệt, người mẹ có thể sinh ra những đứa con như tưởng tượng của mình.
Tôi ném toẹt cái lý thuyết tào lao ấy vào sọt rác. Hình thức của mỗi người được quy định theo gen di truyền. Nếu tưởng tượng được hình hài của đứa trẻ, thì người mẹ nào cũng sinh ra thần tiên cả.
Một tràng vỗ tay tẻ nhạt của đám trẻ vang lên. Chúng không hoặc chưa biết thưởng thức nghệ thuật, hoặc bức tranh của Tim quá chán. Cô giáo chủ nhiệm lớp của Tim bảo thằng bé cả ngày không nói. Niềm đam mê cho tranh vẽ của nó cũng lụi dần. Bây giờ nó vẽ theo yêu cầu, và không tạo được nhiều cảm xúc.
Mỗi người trong đời đều có những đam mê. Hôm nay đam mê thứ này, ngày mai đam mê thứ khác. Tôi cho rằng không có gì lạ, huống chi Tim chỉ là một đứa trẻ. Mỗi ngày có hàng trăm, hàng ngàn đứa trẻ bị cha mẹ chúng tính toán để chia chác trách nhiệm khi họ hết yêu thương mặn nồng. Có thể những điều đó khiến chúng tổn thương, và chúng tự chữa những vết thương sâu hoắm ấy bằng những cách chỉ có chúng mới biết. Vẽ tranh là một ví dụ. Trước đây Tim vẽ những gì hiện hữu quanh nó. Bây giờ nó vẽ những thứ ẩn sâu, hoặc không có trong đời thực. Bức tranh gia đình sum họp trong bữa tối của nó phản ánh hiện trạng khát khao mơ tưởng. Người cha trong bức tranh rõ ràng không phải tôi. Tôi chưa từng có chiếc cặp da to đùng nào cả. Tôi cũng chưa bao giờ khen nàng nấu món canh chua cá, và cũng chưa từng thưởng thức món ấy ở nhà hàng nào hết.
Những phụ huynh đã đậu xe chật cả cổng trường. Từng đứa trẻ được cha mẹ dắt tay về, tiếng chúng chào cô, chào bè bạn ríu ran như một bầy sẻ nhỏ. Tim vẫn ngồi trong phòng, mắt nó vẫn hướng về cửa sổ. Cô giáo chào tôi bằng một nụ cười buồn.
“Đây là bức tranh “Bữa cơm tối” của Tim.” – Cô nói và đưa cho tôi.
Như có gã vô hình nào đó thụi quả đấm vào tim tôi. Ba năm trước, kết quả ADN cho biết Tim là con đẻ của tôi. Sau cái chết của Dũng, hai năm sau nàng và tôi mới nên duyên chồng vợ. Chỉ là vì Tim giống Dũng từng ánh mắt đến nụ cười…
Tôi nắm chặt bàn tay nhỏ bé của Tim trong tay mình. Cha con tôi đi dưới bóng mát của những bông tím ban hoàng hậu. Bầy sẻ nhỏ kéo nhau đậu trên mái nhà, tò mò và thân thiện nhìn đám trẻ tản dần vào từng dòng chảy phố. Tim vẫn giữ bức tranh trong tay nó. Bức tranh không có một nét chì hay sắc màu nào. Nó hoàn toàn chỉ là tờ giấy trắng.