Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bức xúc chất lượng dịch vụ xe buýt

Minh Tường - Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuyến xe buýt số 27 Bến xe Yên Nghĩa - Bến đỗ xe buýt Nam Thăng Long do Công ty CP Xe điện Hà Nội khai thác, vận hành có thể coi đang gây bức xúc cho hành khách về chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng (VTHKCC).

Xe buýt tuyến số 27 hoạt động trên đường Nguyễn Chí Thanh. Ảnh Phạm Hùng
Xe buýt tuyến số 27 hoạt động trên đường Nguyễn Chí Thanh. Ảnh Phạm Hùng

Hành khách không được tôn trọng

Những năm gần đây, Hà Nội không ngừng tìm mọi giải pháp nâng cao chất lượng phương tiện, dịch vụ xe buýt nhằm thu hút người dân đến với VTHKCC. Thế nhưng, đây đó vẫn còn những trường hợp “cá biệt”, gây bức xúc cho người dân. Đơn cử như tuyến buýt số 27 do Công ty CP Xe điện Hà Nội quản lý, vận hành.

Nhận được nhiều phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ quá kém của xe buýt số 27, báo Kinh tế & Đô thị đã tìm hiểu và ghi nhận thực tế cho thấy, một số nhân viên phục vụ, bán vé trên tuyến xe buýt này thường xuyên có những lời nói, hành vi gây bức xúc cho hành khách như: Ngủ gật, nói chuyện to, gác chân lên ghế, chiếm ghế ngồi trong khi khách phải đứng... Nhiều chuyến xe buýt số 27 thường xuyên không dừng đỗ đúng điểm, không mở cửa đón khách; thậm chí thu tiền nhưng không xé vé.

Chị L.T.B. trú tại quận Hà Đông, Hà Nội chia sẻ: “Tôi đang theo học tại một trường đại học trên địa bàn quận Đống Đa nên hàng ngày phải sử dụng xe buýt số 27 để đi lại. Quá nhiều lần tôi bị lỡ chuyến, muộn giờ vì tài xế chạy vụt qua điểm dừng, không mở cửa đón khách”.

Bà N.T.B. trú tại quận Đống Đa, Hà Nội cho hay: “Tôi thường xuyên phải di chuyển bằng xe buýt số 27 từ Đống Đa tới nhà con trai nằm trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm. Chuyện hành khách chưa kịp lên xe đã bị tài xế đóng cửa, kẹt chân, kẹt tay xảy ra như cơm bữa”.

Qua ghi nhận hàng chục lượt xe buýt tuyến số 27 cho thấy, nhân viên bán vé, bất kể là nam hay nữ, lúc đông hay vắng, luôn chiếm một ghế ngồi, bỏ mặc hành khách phải đứng. Ví dụ như chuyến xe buýt số 27 BKS 29B - 415.30 chạy qua địa bàn quận Nam Từ Liêm lúc 13 giờ ngày 17/11, phụ xe ung dung chiếm ghế ngồi bấm điện thoại, ngó lơ hàng chục hành khách phải đứng, trong đó có cả người lớn tuổi.

Trên chuyến xe BKS 29B - 415.34 chạy qua địa bàn quận Cầu Giấy lúc 12 giờ 30 cùng ngày chỉ có một hành khách cao tuổi. Nữ phụ xe thu chân lên ghế cao ở phía trước giơ thẳng lòng bàn chân về phía mặt hành khách cao tuổi ngồi ghế thấp ở phía sau. Hay như trên chuyến xe BKS 29B - 415.21 chạy qua địa bàn quận Thanh Xuân lúc 13 giờ 30 phút thì phụ xe ngồi thu chân lên ghế nói chuyện rôm rả với tài xế mặc dù trên xe rất đông khách khiến nhiều người vô cùng khó chịu.

Không dừng lại ở đó, trên chuyến xe buýt 27 BKS 29B - 416.10 chạy qua địa bàn quận Hà Đông lúc 14 giờ, phụ xe một mình chiếm 3 chiếc ghế để ngủ suốt hành trình. Khi có khách ngồi cạnh, nam phụ xe vẫn tiếp tục ngủ, thậm chí dang chân khoác vai, dựa dẫm vào hành khách để ngủ. Một hành khách (xin giấu tên) trên xe buýt BKS 29B - 416.10 cho biết ngay sau chuyến đi: “Chuyện khiến khách khó chịu trên xe buýt số 27 diễn ra thường xuyên như cơm bữa. Lái, phụ xe còn sẵn sàng có phản ứng gay gắt, thô lỗ khi khách góp ý. Buộc phải đi thì đi chứ tôi thấy xe buýt 27 không khác gì xe dù”.

Xe ọp ẹp, thất thoát doanh thu

Không chỉ chất lượng phục vụ “cá biệt”, phương tiện hoạt động trên tuyến xe buýt số 27 Bến xe Yên Nghĩa - Bến đỗ xe buýt Nam Thăng Long cũng khiến hành khách ngán ngẩm. Chiếc xe buýt BKS 29B - 415.13 xuất bến Yên Nghĩa lúc 10 giờ 30 phút ngày 17/11, suốt chuyến đi xe phát ra những âm thanh chát chúa, rung lắc rợn người. Tài xế liên tục bỏ điểm, không mở cửa đón khách. Lên nhiều chuyến xe khách của tuyến 27, phóng viên còn ghi nhận được không chỉ hiện tượng xe ọp ẹp, rung lắc tương tự mà còn bẩn thỉu, hôi hám.

Bất chấp chất lượng xe vốn đã khiến hành khách lo ngại, nhiều lái xe còn chạy vùn vụt trên phố, luồn lách, cắt mặt phương tiện khác để vào điểm. Nhiều hành khách thường xuyên đi lại trên tuyến buýt số 27 nêu thắc mắc không hiểu vì sao phụ xe rất hay “quên” kiểm tra vé tháng, thu tiền nhưng không xé vé lượt cho khách. Bà N.T.B. cho biết: “Nhiều khi lên xe, khách chủ động đưa thẻ vé tháng hay trả tiền vé lượt thì nhân viên nhận, không thì thôi. Có lần tôi đưa tiền nhưng không nhận được vé lượt, hỏi lại thì phụ xe chỉ xua tay gạt đi rồi im lặng”.

Chính phóng viên Kinh tế & Đô thị khi vào vai hành khách mua vé lượt cũng gặp trường hợp tương tự khi trả tiền nhưng không nhận được vé hoặc phụ xe trả lại thiếu tiền nhưng không một lời giải thích. Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Tuấn Linh cho rằng: “Chất lượng xe buýt của Hà Nội đã được cải thiện nhiều năm qua. Hiện tượng như xe buýt số 27 chỉ là cá biệt. Nguyên nhân chính nằm ở cung cách quản lý và tinh thần trách nhiệm của đơn vị vận hành. Không thể chấp nhận một tuyến buýt mà người dân đánh giá: Việc tôn trọng hành khách là điều xa xỉ”.

Trên nhiều mạng xã hội, hành khách thậm chí còn lập ra cả những diễn đàn, chuyên mục, thống kê đủ mọi chi tiết “cá biệt”, gây bức xúc của xe buýt số 27. Kinh tế & Đô thị cũng đã thông tin những vấn đề nắm bắt được đến Trung tâm Quản lý & Điều hành giao thông công cộng TP Hà Nội và sẽ tiếp tục trao đổi với Công ty CP Xe điện Hà Nội về những tồn tại này. Câu hỏi đặt ra là, tình trạng nêu trên đã diễn ra rất lâu, đơn vị quản lý, vận hành không nắm được hay thiếu trách nhiệm bỏ mặc hành khách(?).

 

Tuyến buýt số 27 có lộ trình: Bến xe Yên Nghĩa - Bến đỗ xe buýt Nam Thăng Long, chiều dài toàn tuyến là 21km; tần suất hoạt động 20 chuyến/ngày, chạy qua địa bàn 6 quận nội thành Hà Nội với 76 điểm đón, trả khách. Đây cũng là một trong những tuyến buýt có sản lượng hành khách cao bậc nhất tại Thủ đô.