Bùng nợ tăng, tín dụng tiêu dùng co hẹp

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng khách hàng cố tình bùng nợ tăng cao đã khiến một số tổ chức tín dụng và công ty tài chính buộc phải chủ động cắt giảm danh mục cho vay tiêu dùng, tránh nợ xấu tiếp tục phát sinh.

Ngày 16/11, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức Hội thảo “Thực trạng cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng (TCTD) và vấn đề thu hồi nợ hiện nay”.

Nợ xấu tín dụng tiêu dùng tăng

Thông tin từ Hiệp hội Ngân hàng, đến cuối tháng 9/2023, toàn hệ thống có 84 TCTD triển khai hoạt động tín dụng tiêu dùng. Trong đó, có 15 công ty tài chính tiêu dùng. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 12.749 nghìn tỷ đồng, trong đó tín dụng tiêu dùng của toàn hệ thống đạt khoảng 2.703 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ nền kinh tế (trong đó, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tạm tính là 134.279 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% dư nợ cho cho vay tiêu dùng toàn hệ thống). 

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho biết, thời gian qua, để giúp người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay, nhất là lĩnh vực cho vay phục vụ đời sống và tiêu dùng cá nhân, qua đó hạn chế tín dụng đen và phổ cập tài chính toàn diện quốc gia. Các TCTD đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện tình hình hoạt động, tăng dư nợ tín dụng theo phê duyệt của NHNN, kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng, tiết giảm chi phí, nâng dần hiệu quả sử dụng vốn, cải cách thủ tục hành chính, đa dạng hóa danh mục sản phẩm, mở rộng mạng lưới đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa...

Tuy nhiên hiện nay, tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn và nền kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường dẫn đến hoạt động động cho vay nói chung và đặc biệt là cho vay tiêu dùng nói riêng gặp nhiều thách thức với tỷ lệ tăng trưởng thấp. Đến cuối tháng 9/2023, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống chỉ tăng khoảng 1,53% so với cuối năm 2022 (mức tăng rất thấp so với 5 năm qua).

Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng (khoảng gần 3,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, trong khi từ năm 2018 đến năm 2022, tỷ lệ nợ xấu này chỉ trên/dưới 2%), thậm chí tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính có nguy cơ tăng trên 15%. Nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.

Tỷ lệ nợ xấu cho vay tiêu dùng ngày càng tăng cao. Ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung còn có những yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý đó là khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền. Các hội nhóm rủ nhau “bùng nợ” tràn lan trên mạng xã hội kéo theo nhiều hệ lụy cho các TCTD nhưng không bị xử lý… 

Tất cả những điều trên làm cho hoạt động thu hồi nợ, đặc biệt là nợ tín dụng tiêu dùng của TCTD gặp rất nhiều khó khăn, một số TCTD buộc phải chủ động cắt giảm danh mục cho vay tiêu dùng, tránh nợ xấu tiếp tục phát sinh.

Cách nào khơi thông tín dụng tiêu dùng?

Để “khơi thông” dòng vốn tín dụng tiêu dùng, đại diện Agribank kiến nghị, Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) có chính sách phân loại nợ phù hợp đối với khách hàng có nhiều khoản nợ. Ví dụ, những khoản nợ tại Agribank chưa bị chuyển sang nợ xấu, trong khi đó khoản nợ tại TCTD khác và Công ty tài chính bị chuyển nợ xấu nhằm tạo điều kiện không chuyển nhóm nợ của khách hàng tại Agribank lên nhóm nợ cao hơn.

Các cơ quan chức năng cần cho phép và hướng dẫn các TCTD trong việc kết nối khai thác dữ liệu thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc xác thực thông tin, nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử để các TCTD có cơ sở tín nhiệm tốt hơn khi ra quyết định cho vay.

Đại diện BIDV kiến nghị NHNN xem xét cho phép các TCTD được sử dụng phương thức xác thực như tin nhắn OTP, Ekyc trong cho vay qua các phương tiện điện tử, qua đó giảm thiểu thủ tục hành chính và chi phí vận hành. Và không quy định bắt buộc các TCTD phải thực hiện kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay đối với các khoản cho vay nhỏ lẻ dưới 100 triệu đồng được thực hiện trên kênh số (online).

Đồng thời, cần có Trung tâm dữ liệu quốc gia về bất động sản, tài sản thế chấp, về định giá cho phép các TCTD kết nối để tra cứu thông tin làm cơ sở để định hạng tín dụng và số hóa trong cho vay, hạn chế tối đa rủi ro phát sinh. Ngoài ra, các ngân hàng kiến nghị sớm luật hóa quy định về xử lý nợ xấu thay thế sau khi Nghị quyết 42 của Quốc hội hết hạn ngày 31/12/2023 để đảm bảo sự vận hành thông suốt của hệ thống ngân hàng.