Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bước đột phá làm cho Đảng mạnh hơn

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng đã tôi luyện, thử thách và không ngừng trưởng thành, dày dạn kinh nghiệm để ngày càng xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của Nhân dân.

Một mùa Xuân mới đến cùng dấu mốc 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2023). Trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng đã tôi luyện, thử thách và không ngừng trưởng thành, dày dạn kinh nghiệm để ngày càng xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của Nhân dân.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ở mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng đều có những giải pháp xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tự đấu tranh, loại bỏ những tiêu cực, khắc phục những khuyết điểm, sai lầm nhằm không ngừng làm trong sạch đội ngũ của mình.

Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Suốt chiều dài lịch sử 93 năm qua, với 13 kỳ Đại hội, Đảng luôn hòa cùng hơi thở và mạch sống của Nhân dân, ý Đảng hợp lòng dân tạo nên sức mạnh quật khởi, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trong thời kỳ mới, thời kỳ của hội nhập mạnh mẽ, Đảng tiếp tục vững vàng lãnh đạo đất nước thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế. Từ một nước nghèo đói, ngày nay Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình, đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao… Những thành quả có được ấy là minh chứng rõ ràng nhất về năng lực lãnh đạo của Đảng và sức mạnh to lớn của Nhân dân.

Trong quá trình phát triển, Đảng cũng luôn nhận thức được nhiều vấn đề nội tại cần phải sửa, để không ngừng đổi mới cho phù hợp. Có thể nói rằng, trong lịch sử xây dựng Đảng, chưa có giai đoạn nào chúng ta chú trọng việc chỉnh đốn Đảng như hiện nay. Không dừng ở những khẩu hiệu, chỉ đạo chung, thực tiễn đã chứng minh, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.

Nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra, trong đó đặc biệt là việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Những con số không nhỏ cán bộ, kể cả cấp cao bị xử lý; nhiều vụ án liên quan đến cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước đã được đưa ra xét xử, công bằng, nghiêm minh, không vùng cấm, không ngoại lệ, Đảng đã từng bước loại bỏ những bộ phận thoái hóa, biến chất, nhân lên niềm tin và hy vọng vào sự vững mạnh của Đảng.

Cùng với đó, nhiều vấn đề khó, phức tạp và nhạy cảm được thực hiện từ nhiều năm trước nhưng hiệu quả thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra, hiện cũng đang tạo sự chuyển biến tích cực. Trong đó, công tác cán bộ được đổi mới mạnh mẽ trên tất cả các khâu, nhất là trong quy hoạch, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng và cả luân chuyển, bổ nhiệm, từ chức, thôi chức. Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, tiếp tục được đặt ra trong cả nhận thức, hành động thực tiễn. Tình trạng chạy chức, chạy quyền và những biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và đẩy lùi có hiệu quả. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, triệt tiêu tận gốc đối với tệ tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn.

Có thể thấy rằng, những kết quả cụ thể, toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ đã góp phần quan trọng làm cho Đảng đoàn kết, thống nhất hơn; củng cố, tăng cường hơn niềm tin của Nhân dân đối với Đảng. Khi dân đã tin, sẽ ủng hộ hết lòng, những khó khăn cũng sẽ dễ dàng vượt qua hơn, tạo điểm tựa vững chắc nhất để cùng với Đảng hiện thực hóa khát vọng, tầm nhìn và mục tiêu phát triển đất nước phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới.