Bước tiến quan trọng cho TPP

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nỗ lực của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong việc đẩy nhanh tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã vượt qua cửa ải quan trọng khi cuối tuần qua.

Thượng viện nước này đã thông qua dự luật trao cho Tổng thống Quyền Thúc đẩy Thương mại (TPA), còn gọi là quyền đàm phán nhanh.

Thắng lợi của ông Obama

Động thái này cho thấy các nhà lập pháp Mỹ đã vượt qua những rào cản đảng phái và thỏa hiệp về chính sách thương mại quan trọng. Sau khi nhận được cam kết tiếp tục cấp phép hoạt động cho Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ trước khi phải đóng cửa vào ngày 30/6 từ phe Cộng hòa, các nghị sĩ đảng Dân chủ đã gật đầu đồng ý với TPA sau nhiều lần phản đối. Các nghị sĩ Cộng hòa cũng chấp nhận thỏa hiệp khi tán thành phần lớn trong số 20 điều chỉnh mà các nghị sĩ Dân chủ đã gắn kèm trong cuộc bỏ phiếu về TPA.
Tổng thống B.Obama và lãnh đạo phe đa số đảng Cộng hòa tại Thượng viện McConnell luôn ủng hộ việc thông qua TPP.	 Ảnh: Huffpost
Tổng thống B.Obama và lãnh đạo phe đa số đảng Cộng hòa tại Thượng viện McConnell luôn ủng hộ việc thông qua TPP. Ảnh: Huffpost
Tổng thống Obama lập tức hoan nghênh kết quả này và cho rằng, các nhà lập pháp hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã hành động đúng đắn vì người lao động Mỹ. Đồng thời, nhấn mạnh đây là một “bước tiến quan trọng” sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người lao động Mỹ. Nếu được Quốc hội Mỹ thông qua, TPA sẽ trao cho Tổng thống Obama toàn quyền đàm phán và thỏa thuận các điều khoản của TPP với 11 quốc gia đối tác. Sau khi đàm phán hoàn tất, Quốc hội Mỹ chỉ có quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết, mà không có quyền điều chỉnh các điều khoản trong TPP. Kết quả bỏ phiếu đã đánh dấu thắng lợi lớn của chính quyền Tổng thống Obama, góp phần giải tỏa những hoài nghi của 11 đối tác và kết thúc tiến trình đàm phán TPP. Tuy nhiên, ngay cả khi cuộc đàm phán TPP cấp Bộ trưởng được nối lại tại Guam trong tuần này, nhiều thành viên tham gia đàm phán vẫn không khỏi bất an vì tương lai chưa rõ ràng của TPA.

Nhằm đạt mục tiêu thông qua TPP – ưu tiên chiến lược của Tổng thống trước khi rời Nhà Trắng năm 2017, chính quyền Obama đã ráo riết thực hiện các cuộc vận động thông qua TPA. Trong lịch trình bận rộn của mình, Ngoại trưởng John Kerry cũng phải thực hiện nhiều chuyến đi thuyết khách về lợi ích của TPP cho nền kinh tế cũng như người lao động Mỹ. Ngoài mở rộng thị trường để duy trì tăng trưởng, theo ông Kerry, TPP còn có ý nghĩa quan trọng giúp Washington duy trì ảnh hưởng và vai trò lãnh đạo tại châu Á - Thái Bình Dương.

Còn nhiều thử thách

Sau khi vượt qua cửa ải đầy khó khăn ở Thượng viện, dự luật về TPA sẽ được đưa ra tranh luận, bỏ phiếu tại Hạ viện ngay tháng 6 tới với rất nhiều đồn đoán về một cuộc chiến nảy lửa giữa các luồng quan điểm chính trị và lợi ích kinh tế. Tại Hạ viện, sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng Dân chủ nắm quyền hành pháp chắc chắn sẽ tiếp tục bộc lộ do áp lực từ lá phiếu của các cử tri thuộc các nghiệp đoàn vốn lo ngại việc làm có thể bị mất do TPP cho cuộc bầu cử Tổng thống vào năm tới. Ông Obama có thể dựa vào sự ủng hộ của đảng Cộng hòa, nhưng tại Hạ viện, số lượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bảo thủ theo đuổi quan điểm bảo hộ nền kinh tế và thị trường nội địa nhiều hơn tại Thượng viện. 

Đồng hồ đếm ngược cho thời hạn chót kết thúc đàm phán TPP vẫn đang quay đều bất chấp các cuộc tranh cãi gay gắt giữa các chính trị gia Mỹ sẽ nổ ra tại Hạ viện vào tháng 6 tới. Theo các nhà quan sát, cuộc chiến giữa phe ủng hộ và phản đối TPP có căng thẳng đến đâu thì Quốc hội Mỹ cũng phải thông qua TPA bởi dù muốn hay không, mọi quốc gia đều phải chấp nhận sự đổi thay của hệ thống kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, nếu không thể viết nên “luật chơi” qua ký kết TTP, Mỹ sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất quyền lãnh đạo hệ thống thương mại thế giới khi APEC nhóm họp ở Boracay (Philippines) trong tuần này để xem xét các bước đi thành lập Khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương.