Các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đã nỗ lực góp phần giảm rủi ro về thuế quan trong tương lai, thúc đẩy triển vọng trung và dài hạn hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Thuật ngữ "Thao túng tiền tệ" của Bộ Tài chính Mỹ dựa trên cơ sở ba tiêu chí về: Thặng dư thương mại song phương với Mỹ; thặng dư cán cân vãng lai; can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài. Nếu một quốc gia chạm tất cả các ngưỡng, Mỹ sẽ gắn mác thao túng tiền tệ và có những biện pháp can thiệp, có thể là đàm phán để các quốc gia điều chỉnh chính sách, mạnh hơn là biện pháp trừng phạt như áp thuế suất cao hơn đối với quốc gia đó.
Liên tiếp trong hai kỳ báo cáo, Việt Nam chỉ vượt ngưỡng 1 tiêu chí về thặng dư thương mại hàng hóa và dịch vụ với Mỹ (thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đạt mức 105 tỷ USD, vượt ngưỡng 15 tỷ USD), do đó đã được Bộ Tài chính Mỹ đưa ra khỏi Danh sách giám sát.
Cũng tại kỳ báo cáo này, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục ghi nhận những bước tiến của Việt Nam trong công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Có thể nói, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam có hiệu quả rõ rệt, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tác động của lạm phát, hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.
NHNN Việt Nam đã lựa chọn thời điểm thích hợp để bán ngoại tệ, vừa giúp ổn định tỷ giá, đồng thời giúp tránh vi phạm quy định mua ròng dưới mức 2% GDP của Mỹ. Báo cáo “Triển vọng thị trường Việt Nam tháng 11/2022”, Công ty Chứng khoán ACB ước tính, NHNN đã bán ra khoảng 22 tỷ USD vào năm 2022 từ dự trữ ngoại hối, tương đương 21% tổng dự trữ vào năm 2021, đưa dự trữ hiện tại ở mức ước tính 87 tỷ USD giảm tỷ lệ nhập khẩu xuống còn khoảng 12 tuần, mà vẫn duy trì trong ngưỡng an toàn.
Trong tháng 10/2022, NHNN nâng lãi suất điều hành lần thứ 2 là giải pháp chủ động, linh hoạt, ứng phó xu hướng lạm phát và tăng lãi suất trên thế giới. Hiện lãi suất tiết kiệm của Việt Nam vẫn cao hơn tỷ lệ lạm phát 4%. NHNN điều hành chính sách là đúng và trúng được các tổ chức quốc tế như WB, ADB, Moody’s… đánh giá cao.
Việc Việt Nam ra khỏi danh sách giám sát thao túng tiền tệ sẽ giúp loại bỏ rủi ro thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ mặc dù thực tế thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã tăng gần 21 tỷ USD trong năm 2021 và sẽ tiếp tục tăng trong năm nay. Sự tăng vọt thặng dư thương mại với Mỹ năm 2020 - 2021 là do Việt Nam khống chế thành công dịch Covid-19 so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tuy Việt Nam xuất siêu sang Mỹ nhưng thặng dư thương mại chủ yếu đến từ nhóm DN FDI, công ty mẹ và những DN cung cấp nguyên liệu đầu vào, bao gồm cả các DN Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ. Gần đây, Chính phủ Việt Nam đã tích cực ký kết hợp tác, dành cho các nhà đầu tư Mỹ tham gia vào các dự án lớn của quốc gia, cũng như cam kết tăng nhập khẩu sản phẩm hàng hóa, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước, khẳng định tính bổ trợ lẫn nhau giữa hai nền kinh tế và sự năng động của DN hai nước. Mối quan hệ hữu nghị Việt - Mỹ vì thế mà ngày càng bền chặt.