Bước tiến vững chắc ở Gia Lâm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với toàn TP, công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) tại huyện Gia Lâm đã và đang trở thành phong trào rộng khắp, góp phần nâng cao đời sống cho người dân nơi đây.

Thành quả từ sự chung sức

Về xã Dương Xá, dễ nhận thấy nhiều nét đổi thay của vùng quê ven QL5 này. Ông Lê Huy Uyên – Phó Chủ tịch UBND xã Dương Xá cho hay, khoảng 3 năm trước, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng trên địa bàn chủ yếu là đường đất, nhỏ hẹp, khiến việc đi lại của bà con rất vất vả. Việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Năng suất, chất lượng nông sản không cao, thu nhập người dân còn nhiều hạn chế… Nhờ sự quan tâm của TP và huyện, 100% tuyến đường liên xã, thôn, xóm đã được bê tông hóa. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 0,56%. Thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 30 triệu đồng/năm. Xã đã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM.
Trường THCS Dương Xá đang được hoàn thiện. 	Ảnh: Trọng Tùng
Dương Xá chính là một trong những “điểm sáng” trong xây dựng NTM của Gia Lâm những năm qua. Cùng với Dương Xá, đời sống vật chất – tinh thần của bà con nông dân huyện Gia Lâm đang ngày một được nâng cao.

Bước chuyển mình mạnh mẽ của Gia Lâm có được là nhờ địa phương đã tích cực vận động sự tham gia của người dân, các tổ chức chính trị - xã hội vào công tác xây dựng NTM. Đơn cử như, Hội Nông dân huyện tổ chức 116 buổi tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong đó có công tác dồn điền đổi thửa, vận động Nhân dân đóng góp tài sản, ngày công lao động cho xây dựng NTM. Các phong trào “Phụ nữ Gia Lâm chung tay xây dựng NTM”, “Thanh niên tham gia phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa, vệ sinh môi trường”, “Bộ đội và dân quân tự vệ Thủ đô chung sức xây dựng NTM” được Hội Liên hiệp Phụ nữ, Huyện đoàn và Ban Chỉ huy Quân sự huyện đẩy mạnh thực hiện tại 20/20 xã… Đặc biệt, trong quá trình xây dựng NTM, huyện đã huy động được từ các nguồn ngoài ngân sách trên 273,4 tỷ đồng, trong đó, Nhân dân đóng góp gần 81,5 tỷ đồng. Đây chính là động lực to lớn tạo nên sự chuyển biến rõ nét trong xây dựng NTM ở Gia Lâm.  

Phấn đấu thêm 8 xã về đích

Với sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân, công cuộc xây dựng NTM huyện Gia Lâm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà địa phương đã hết khó.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Phùng Xuân Việt cho biết, một số tiêu chí của huyện hiện mới đạt tương đối thấp. Ví như, tỷ lệ giao thông thủy lợi nội đồng được cứng hóa toàn huyện đến nay mới đạt 52,6%; gần 35% số trường học hiện chưa đạt chuẩn. Tỷ lệ hộ nghèo tại hai xã Lệ Chi (4,37%) và Trung Mầu (3,16%) còn ở mức cao so với mặt bằng chung toàn huyện (1,41%). Thêm nữa, do nhiều nguyên nhân nên đến nay, huyện chưa hoàn thành công tác đồn điền đổi thửa theo kế hoạch…

Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu xây dựng NTM trong năm 2015, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Hùng cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh vận động sự tham gia của người dân trong xây dựng NTM. Chỉ đạo các phòng, ban xây dựng quy hoạch vùng sản xuất tập trung. Duy trì, phát triển đàn gia súc, gia cầm. Triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng sản xuất nông nghiệp. Để địa phương thực hiện tốt Chương trình 02-CTr/TU, phấn đấu hoàn thành mục tiêu có thêm 8 xã đạt chuẩn NTM trong năm 2015, ông Nguyễn Hùng kiến nghị TP tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nguồn vốn xây dựng hạ tầng sản xuất; có cơ chế tạo thuận lợi cho các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, sớm ban hành chính sách khuyến khích phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, kinh tế trang trại nói chung trên địa bàn TP.