Bước vào mùa cao điểm, lãi suất ngân hàng nhích tăng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh bước vào giai đoạn cao điểm thanh toán cuối năm, thanh khoản thị trường có dấu hiệu giảm sút đẩy lãi suất đầu vào đi lên.

 Ảnh minh hoạ

Một số ngân hàng thương mại quy mô vừa và nhỏ đã có bước điều chỉnh tăng nhẹ biểu lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân. Cụ thể, mức tăng ghi nhận 0,1 - 0,3 điểm phần trăm ở ngân hàng OCB, DongABank hay VietBank, nhằm thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư để có thể đảm bảo hoạt động cho vay cũng như nhu cầu khác của ngân hàng trong giai đoạn cuối năm.

Tại ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), biểu lãi suất mới nhất hiện tăng thêm khoảng 0,2 - 0,4 điểm phần trăm so với kỳ điều chỉnh trước đó. Ngoài ra, ngân hàng này còn có chương trình ưu đãi lãi suất cho một số đối tượng khách hàng như: Khách hàng dưới 50 tuổi gửi dưới 1 tỷ đồng lãi suất kỳ hạn 6 - 11 tháng sẽ được hưởng mức lãi suất 4,1%/năm, thay vì 3,9%/năm như trước; gửi từ 13 - 35 tháng lãi suất là 4,8%/năm, thay vì mức 4,4%/năm so với trước…

Tại Nam A Bank, khách hàng gửi tiết kiệm online kỳ hạn từ 16 - 36 tháng sẽ hưởng lãi suất 7,4%/năm, trong khi lãi suất tiền gửi tại quầy không thay đổi nhiều. Đại diện Nam A Bank lý giải do ngân hàng vừa khai trương hệ sinh thái ngân hàng số Ocenbank, nên tăng lãi suất tiền gửi online để thu hút khách sử dụng dịch vụ mới này.

Thị trường liên ngân hàng lãi suất cũng tăng mạnh. Vào cuối tuần trước, lãi suất thị trường liên ngân hàng tăng mạnh 0,16 - 0,47 điểm phần trăm so với cuối tuần liền trước. Lãi suất kỳ hạn qua đêm ở mức 0,86% (tăng 0,16 điểm phần trăm) và kỳ hạn 1 tuần là 1,1% (tăng 0,31 điểm phần trăm). Thậm chí, xu hướng tăng còn kéo dài đến phiên giao dịch đầu tuần này (20/12). Mức tăng có phần đáng chú ý khi lãi suất qua đêm đã vọt lên mức 1,15% và 1 tuần là 1,35%.

SSI đánh giá, ngoài thể hiện tính mùa vụ thường thấy, việc các ngân hàng điều chỉnh tăng biểu lãi suất huy động còn diễn ra trong bối cảnh sức hấp dẫn của kênh tiền gửi giảm sút trước các kênh đầu tư khác. 

Hiện tại, tăng trưởng tiền gửi từ khu vực dân cư có xu hướng giảm mạnh. Tăng trưởng huy động khu vực này chỉ tăng trung bình khoảng 4% trong năm 2021, giảm từ mức 7,5% vào năm 2020.

Các ngân hàng thu hút dòng tiền nhàn rỗi trở lại thay vì "chảy" vào các kênh đầu tư khác, như chứng khoán, bất động sản. Trong khi đó, nhu cầu vốn của DN đang tăng cao hơn so với cùng kỳ. Số liệu mới nhất từ NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng ghi nhận mức tăng tương đối mạnh trong những ngày cuối tháng 11 và đạt 10,18 triệu tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2020. Như vậy, chỉ trong 1 tuần cuối tháng 11, các ngân hàng thương mại đã cho vay thêm khoảng 61.000 tỷ đồng, gần tương đương với mức cấp tín dụng trong tháng 10 và là tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế sau khi nới lỏng giãn cách.

NHNN đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021 là 12%, có điều chỉnh linh hoạt so với thực tế. Cộng thêm diễn biến NHNN mới đây đã nâng trần tín dụng tại một số ngân hàng thương mại, không ít ý kiến dự báo: “Tăng trưởng tín dụng năm 2021 sẽ đạt khoảng 13% và phù hợp với quan điểm từ phía nhà điều hành”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần