Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Buổi học trực tuyến đầu tiên: Thầy - trò “rối” vì nghẽn mạng

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 6/9, học sinh (HS) thuộc các cấp học (trừ mầm non, lớp 1) tại Hà Nội đã bước vào buổi học trực tuyến đầu tiên của năm học mới. Tuy nhiên, niềm vui của cả thầy và trò cũng như chất lượng tiết học đã phần nào bị giảm bớt bởi ở nhiều nơi, tình trạng rớt mạng liên tục xảy ra.

Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tình trạng rớt mạng xảy ra phổ biến ở nhiều trường học thuộc nhiều khu vực, nhiều địa bàn trên khắp TP vào buổi học sáng nay.

Cô- trò thay nhau gián đoạn

Thầy giáo Nguyễn Thanh Tùng - Hiệu trưởng THCS Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội cho hay: Trường triển khai học Zoom theo từng lớp. Trong buổi sáng đầu tiên của năm học, một số thầy cô phản ánh đến BGH về tình trạng đang dạy và học bị out ra nên phải vào lại. Có em vào lại rồi tiếp tục bị out. “Không biết nguyên nhân là vì sao, có thể do mạng kém, cũng có thể do thiết bị hoặc ở xa tín hiệu mạng bởi có HS dùng nhờ mạng hàng xóm”- thầy Tùng cho biết.

 Ngày 6/9, học sinh các cấp trên toàn TP có buổi học đầu tiên của năm học mới

Cô Đàm Thị Kim Dung - Hiệu trưởng trường Tiểu học Thúy Lĩnh, quận Hoàng Mai nêu: Trường tổ chức cho HS khối 2 đến khối 5 học online qua Zoom vào sáng nay. Với 670 HS cùng học, tình trạng nghẽn mạng đã xảy ra với một số thầy và trò vào đầu giờ sáng. Từ khoảng 8 giờ trở ra, Ban giám hiệu đã đi kiểm tra từng lớp, từng khối và xác nhận là mạng đã ổn định hơn.

Theo phản ánh của cô Nguyễn Thúy Thanh- Hiệu trưởng trường Tiểu học Hữu Hòa, huyện Thanh Trì thì tình trạng mạng kém xảy ra từ hôm qua, khi các trường tổ chức khai giảng và hoạt động riêng (khung 8 giờ 45 đến 9 giờ 30) theo hình thức trực tuyến. Nhà trường tải, phát video thì rất khó; khi chiếu lên thì hình đi trước, tiếng đi sau, cả hình lẫn tiếng đều bị méo, không nét. Sáng nay việc này vẫn tiếp diễn; chẳng những khiến các HS out ra khỏi phòng mà việc tương tác, giao lưu, trao đổi giữa cô và trò cũng hạn chế, vì thế chất lượng tiết học không được như mong muốn.

Tuy vậy, tại địa bàn huyện Mê Linh, thầy Nguyễn Khắc Tuấn- Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Hoa A cho biết: Mạng rất ổn định. “Từ sáng nay, trường triển khai cho toàn trường học (khối 2- khối 5) và còn khối 1 làm quen với cô giáo. Đường truyền mạng tốt, không có hiện tượng lỗi mạng, rớt mạng. Có thể do địa thế, vị trí của từng khu vực”- thầy Tuấn trao đổi.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về vấn đề trên, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Ngay ở giai đoạn đầu triển khai học trực tuyến, Sở GD&ĐT đã trao đổi với các đơn vị viễn thông giữ ổn định đường truyền, tạo điều kiện để các em HS học tập cũng như hướng dẫn các trường trong thực hiện nhiệm vụ dạy- học online.

“Để chủ động khắc phục tình trạng nghẽn mạng, các trường nên bố trí khung thời gian hợp lý; sắp xếp thời khóa biểu từng khối lớp theo lịch học sáng - chiều khác nhau để giảm mật độ truy cập vào cùng một thời điểm. Qua nắm tình hình, được biết tình trạng nghẽn mạng đôi khi xảy ra ở ngay đường truyền, tín hiệu của nhà trường và các thầy cô giáo; vì vậy việc bố trí khung giờ khác nhau sẽ góp phần giảm tình trạng nhiều tài khoản truy cập vào cùng lúc và giữ ổn định truy cập…”- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến khuyến cáo.

Theo cô Nguyễn Thu Thủy, giáo viên lớp 4 trường Tiểu học Đoàn Kết, quận Hà Đông, suốt buổi học sáng nay có một vài HS bị out ra, khi HS vào lại thì cô nhanh chóng phê duyệt cho vào lớp. Ngoài ra có phụ huynh nhắn tin phản ánh mạng hơi chậm, thấy slide chạy rồi mà chưa thấy tiếng cô đâu. Tình trạng đó chỉ là thoáng qua và cô vẫn cố gắng dạy đảm bảo chương trình. Cô cho biết thêm, phần mềm của trường đang dùng là Zoom bản quyền nên chạy rất ổn.

Liên quan hiện tượng mạng nghẽn, chậm, cô Nguyễn Phương Liên - Hiệu trưởng trường Tiểu học, THCS &THPT Khương Hạ, quận Thanh Xuân phản ánh, trong buổi học sáng 6/9 đường truyền mạng ổn định ở tiết 1, tiết 2, 3 không ổn và đến tiết 4, 5 lại bình thường. Hy vọng tình trạng nghẽn mạng sớm được khắc phục để đảm bảo các tiết học hiệu quả cho các con.

Bị con “réo” tên, phụ huynh “cầu cứu” cô giáo

Chị Nguyễn Ngọc Loan, một phụ huynh tại quận Hà Đông cho biết: Sáng nay trước khi đi làm thì con trai đã ổn định tài khoản vào lớp học bình thường. Nhưng vừa đến cơ quan, mở máy thấy chục cuộc gọi từ con. Hỏi ra mới biết con đăng nhập vào tài khoản được vài phút lại bị out ra. Chị dặn con khởi động lại máy nhưng tình trạng trên vẫn tiếp diễn. Loay hoay mãi không được, chị đành gọi điện cô giáo xin phép cho con vào muộn thì cô nói rằng, trường hợp của con không phải là duy nhất.

Em Nguyễn Anh Khang, HS lớp 6 quận Thanh Xuân kể: “Buổi sáng con bị out 2 lần, vào kiểu gì cũng không được nên con gọi nhờ mẹ xin phép cô. Một lúc sau con vào thì lại được. Các tiết học sau, con không bị tình trạng như vậy nữa”.

Dở khóc, dở cười là chuyện của chị Nguyễn Ngọc Thúy, huyện Mê Linh. Nay đến phiên chị đi trực mà con thì học tiết làm quen với chương trình lớp 1. Sáng dậy chị đã nhờ bà nội ở nhà trông cháu, kiêm “trợ lý” công nghệ luôn. Ngoài nói miệng, chị còn ghi ra giấy từng bước để bà khỏi quên. Vào nhiều lần không được, bà gọi chị và nói máy bị hỏng làm hai mẹ con trao đổi mà không biết nguyên nhân nằm ở đâu. Cuối cùng, chị gọi cô giáo mới biết đây là tình trạng chung.

  Nhiều phụ huynh, học sinh, giáo viên phản ánh về tình trạng nghẽn mạng.

Nhận được rất nhiều cuộc gọi của phụ huynh trong buổi sáng nay, cô Phùng Thị Minh - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Thạch Đà A, huyện Mê Linh, cho biết đã phải giải thích rất nhiều để phụ huynh nắm tình hình, động viên các con bình tĩnh, không lo lắng bởi nhà trường đã kiểm tra thì xác định cũng xảy ra tình trạng rớt mạng. Cô Minh cho hay, trường có hơn 1.000 HS, trong đó sáng nay khối 2 đến khối 5 thì học theo thời khóa biểu còn khối 1 thì tổ chức cho các con tiếp cận, làm quen với chương trình học.

Các thầy cô, phụ huynh đều nhận định, có thể sáng nay đồng loạt các cấp cùng học nên mạng bị nghẽn và quá tải. Tuy nhiên, việc học là thường xuyên, ngày nào cũng học nếu không khắc phục được tình trạng này thì ảnh hưởng nhiều đến hứng thú dạy- học của cả thầy lẫn trò cũng như chất lượng tiết học không đảm bảo.

Còn cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên lớp 1 trường Tiểu học Trường Yên, huyện Chương Mỹ nêu ý kiến: Khối 1 của trường dạy bằng phần mềm Google meet, quá trình dạy thông suốt, không gặp trục trặc gì. Tuy nhiên con gái cô Huyền học khối 2 học bằng phần mềm Zoom thì bị out liên tục, thậm chí cả cô, cả trò có lúc phải tạm dừng tiết học. Vậy nên nếu xảy ra hiện tượng tài khoản bị out, có thể do 2 nguyên nhân: Mạng và phần mềm. Muốn biết chính xác nguyên nhân do đâu thì phải kiểm tra kỹ mới có thể xác định và khắc phục được.

Truy cập bị ngắt quãng không có nghĩa hạ tầng mạng có vấn đề

Đại diện nhà mạng Viettel: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động làm việc và đặc biệt là học tập tại nhà tăng đột biến. Để đáp ứng nhu cầu này Viettel đã tăng gấp đôi băng thông đối với các thuê bao internet để đảm bảo học sinh, giáo viên có thể làm việc tại nhà. Tới thời điểm hiện tại, đơn vị chưa nhận được thông tin phản ánh từ người dùng về việc truy cập mạng internet bị ngắt quãng hặc kết nối chậm.

Tuy nhiên phía nhà mạng cũng cho biết thêm, với phản ánh của phụ huynh và các em HS thì việc truy cập bị ngắt quãng không có nghĩa hạ tầng mạng có vấn đề mà có thể nằm tại phần mềm được sử dụng học trực tuyến như Zoom bị quá tải. Có thể các phần mềm được cấp quyền cho phép người dùng khi đạt đủ số lượng nhất định thì người vào sau sẽ không thể truy cập được và chờ người khác thoát ra thì mới có thể vào lại. Khi đông người vào cùng một lúc có thể xảy ra hiện tượng như phản ánh.

Theo đại diện nhà mạng FPT thì nguyên nhân khiến mạng chậm, rớt mạng có thể đến từ những vấn đề sau:

- Thiết bị bị nhiễm virus: Việc bị nhiễm virus có thể khiến máy tính, điện thoại, máy tính bảng truy cập internet chậm hoặc thậm chí là không vào được. Nguyên nhân là do virus đã sử dụng đường truyền internet của người dùng vào mục đích khác. Nếu bị trường hợp này nên cài đặt phần mềm diệt virus hoặc nặng hơn nên cài đặt lại thiết bị.

- Thiết bị Modem và Switch: Đây là 2 thiết bị mà người dùng cắm xuyên suốt 24/24. Chình vì vậy mà đôi khi các thiết bị này có thể gây ra việc làm chậm Internet hoặc bị lỗi không vào được Internet. Giải pháp cần làm là bấm nút Reset trên các thiết bị này để việc truy cập Internet có thể trở lại ổn định.

- Chia sẻ mạng internet với nhiều người: Việc nhiều người cùng sử dụng chung một đường truyền internet sẽ khiến mạng chậm đi đáng kể. Do đó, để tốc độ mạng ổn định, cần hạn chế số người dùng chung ở thời điểm cần thiết hoặc nâng cấp gói cước internet lên cao hơn nhằm tăng dung lượng sử dụng. (Hà Thanh)